VAI TRÒ CỦA LÂN ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG VÀ ỨNG DỤNG TRONG XỬ LÝ RA HOA CÂY SẦU RIÊNG

 

Phân Lân là một trong 3 nguyên tố đa lượng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Lân tham gia cấu thành enzym, protein và quá trình tổng hợp axit amin...là chất không thể thiếu cho sự sống của cây.

Trong thời điểm khi cây chuyển hóa từ giai đoạn sinh trưởng qua sinh thực thì Lân càng đóng vai trò cấp thiết hơn nữa đối với cây trồng. Giúp cây cho năng suất cao và phát triển bền vững.

1. Vai trò của Lân đối với cây trồng:

- Tham gia vào quá trình phát triển bộ rễ, quá trình quang hợp và hô hấp. 

- Ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh, giúp cây trồng chống chịu với các điều kiện bất thuận khác như hạn, mặn, ngập úng...

- Lân là yếu tố chính quyết định sự ra hoa, đậu quả, quá trình chín của quả và hạt.

- Có tác dụng hạn chế tác hại của việc bón thừa đạm.

- Lân còn có tác dụng đệm, làm cho cây chịu được chua, kiềm.

2. Phân loại phân Lân:

1.1. Phân Lân tự nhiên (dùng để bón lót sớm vì khó tiêu).

- Apatit (chứa 30 – 32% P2O5, Canxi và nhiều khoáng chất khác): Được dùng để bón cho đất chua, đất phèn, đất úng trũng nghèo lân.

- Phosphorit (chứa 8 – 12% P2O5): Phân khô rời, dạng bột; dùng cho đất chua, phèn, úng, trũng, rất thích hợp với các giống họ đậu.

2.2. Phân Lân chế tạo.

* Super lân Ca(H2PO4)2.

- Có 2 loại:

+ Super lân đơn chứa 17 – 18% P2O5.

+ Super lân kép chứa 37 – 47% P2O5.

- Super Lân có tính axit, không thích hợp cho đất chua. Nếu bón trên đất chua phèn nên bón phối hợp với vôi và các loại phân lân khác (như lân nung chảy).

- Super lân ở dạng dễ tiêu, dễ tan trong đất, cây trồng hấp thu được, hiệu quả nhanh, thích hợp với nhiều loại cây.

* Lân nung chảy (18 – 20% P2O5, 28 – 30% Ca, 17 – 20% Mg, 24 – 30% Si, ngoài ra còn chứa vi lượng sắt, đồng, molipden, mangan, coban).

- Lân nung chảy có dạng bột màu xanh xám.

- Lân nung chảy có tính kiềm, thích hợp cho đất chua.

- Lân nung chảy ít tan trong nước, chỉ tan trong axit nhẹ, nên có tác dụng chậm nhưng lâu dài.

- Sử dụng thích hợp cho đất phèn, đất bạc màu.

3. Ứng dụng của Lân trong xử lý ra hoa trên cây sầu riêng:

* Thời điểm xử lý.

- Cơi lá cuối phát triển có độ dài đạt từ 6-8cm (Là cơi lá thứ 2 hay thứ 3 tính từ khi phục hồi cây sau thu hoạch).

- Theo dõi thêm yếu tố thời tiết để khi cơi lá cuối thành thục, già thì có thể tiến hành tạo khô hạn cho cây sầu riêng trong một thời gian nhất định, tùy thuộc vào độ sung của cây và tuổi cây (TB từ 15-25 ngày).

- Bình Phước làm sầu riêng thuận vụ nên xác định khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa từ mùa mưa qua mùa khô sẽ thuận lợi hơn cho quá trình xử lý ra hoa trên cây.

* Chế độ dinh dưỡng chăm sóc cho cây giai đoạn này.

- Khi cơi lá cuối nhú le trên vườn tiến hành bón 5-8kg Trichomix Lân vi sinh + 0,5-0,8kg NPK 16-16-8 TE/cây. Giúp dưỡng cơi lá, tạo độ xốp cho đất và bổ sung nhóm vi sinh vật phân giải lân, để cây hấp thụ được tối ưu nhất.

- Sau khi bón phân hữu cơ, NPK từ 7-10 ngày tiến hành bón phân tạo mầm hoa cho cây bằng các sản phẩm như Lân lâm thao, Lân nung chảy, PK...với liều lượng từ 4-6kg/cây. Nếu thời tiết không mưa thì tưới ẩm để cây hấp thụ phân bón hiệu quả. Khi thực hiện bón Lân cho cây thì tùy thuộc vào độ pH đất và độ sung của cây cần lưu ý một số điểm sau:

+ Sử dụng Lân lâm thao (Đối với đất có pH>5.5).

+ Sử dụng Lân nung chảy (Đối với đất có pH<5.5).

+ Sử dụng PK (Đối với cây sung, cây cho bói).

- Tiến hành bổ sung các nhóm vi sinh vật phân giải lân, giúp phân giải lân khó tan thành dễ tan, từ đó cây hấp thụ nhanh và tối ưu hơn như vi khuẩn Pseudomonas sp, Bacillus sp...có trong các sản phẩm như Men Tricoderma, Nema...với liều lượng rải gốc từ 20-30gr/cây.

+ Khi có mặt của vi khuẩn phân giải lân khó tan thì hiệu quả sử dụng lân tăng thêm 30%, giảm rất nhiều thất thoát không đáng có.

+ Vi khuẩn phân giải lân sống tự do trong đất và sử dụng các nguồn lân khó tan để làm năng lượng sinh sản, nhưng do vòng đời ngắn nên bản thân vi khuẩn sẽ phân hủy cung cấp lại cho cây trồng lân dễ tan.

+ Bên cạnh đó vi khuẩn phân giải lân còn giúp phân giải các loại thuốc bảo vệ thực vật dư thừa trong đất và đối kháng các loại vi khuẩn, nấm gây hại như Phytopthora (Xì mũ), Pythium (Thối nhũn), Rhzoctonia (Lỡ cổ rễ), Fusarium (Cháy lá)...

- Hỗ trợ xịt lá tạo mầm thêm cho cây với các sản phẩm như Kích phát tố, Niphos PK 60-20, Gel 17-68-17, 10-60-10, MKP...Xử lý liên tục 2-3 lần, với khoảng cách từ 5-7 ngày/lần.

* Tiến hành tạo khô hạn cho cây sầu riêng.

- Khi cây có bộ lá già, thành thục tiến hành cắt nước tạo khô hạn cho vườn.

- Tỉa cành bơi, cành tăm, phát cỏ tạo thông thoáng cho vườn cây.

- Trung bình thời gian tạo khô hạn để cây sầu riêng ra hoa từ 15-25 ngày, tùy vào độ sung và thổ nhưỡng của từng vườn cây.

* Lưu ý:

- Đối với cơi lá cuối làm hoa hạn chế sử dụng các dòng phân bón gốc có hàm lượng đạm cao.

- Nếu trong quá trình xiết nước cây héo, có hiện tượng rụng lá mà tỷ lệ ra hoa vẫn chưa đạt trên 50% cành mang trái tiêu chuẩn. Thì tiến hành tưới nhấp nước trở lại, với lượng từ 70-100l nước/cây. Đến khi cây ra hoa đạt từ 50-70% cành mang trái đủ tiêu chuẩn/cây.

- Mặt khác nếu trong quá trình xiết nước gặp mưa, mà tỷ lệ ra hoa cũng chưa đạt trên 50%, thì vẫn tiếp tục xiết thêm để cây đạt tỷ lệ ra hoa từ 50-70% trên cành mang trái đủ tiêu chuẩn/cây.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059 – Ks. Lê Văn Thành: 0969.726.387.

 

 

 

< Trở lại