KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY MÍT GIAI ĐOẠN NUÔI TRÁI

Cây mít là cây trồng được nhiều bà con nông dân lựa chọn để canh tác. Hiện tại Bình Phước đang bắt đầu bước vào giai đoạn mùa nắng, đây cũng là thời điểm cây mít ra bông và nuôi trái. Để cây phát triển, cho năng suất tốt thì giai đoạn này chúng ta cần có các biện pháp chăm sóc kịp thời và phù hợp.

1. Quản lý bông, trái:

- Tỉa bông: Khi cây ra quá nhiều bông hoặc bông ra nhiều ở phần ngọn, đầu cành cần tỉa bớt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi bông và nuôi trái sau này. Ưu tiên giữ lại những bông gần thân chính, số bông giữ lại gấp khoảng 5 lần số trái thu hoạch về sau.

- Tỉa trái: Tỉa những trái xấu, sâu bệnh, trái nhỏ và cả những trái bình thường cho mật độ trái phù hợp với từng cây.

+ Khi cây một năm tuổi: nên tỉa bỏ chỉ giữ lại 1 trái/lứa.

+ Năm thứ hai: để 2 trái/lứa, thu hoạch đạt 4 trái/năm.

+ Năm thứ ba: để 3 trái/lứa, thu hoạch đạt 6 trái/năm và như thế tăng số trái/cây theo từng năm tuổi.

- Bao trái: Khi bước vào giai đoạn nuôi trái ổn định thì tiến hành bao trái để hạn chế sâu đục trái, dòi đục trái... Nên thực hiện bao trái vào thời điểm sau khi tỉa trái xong.

2. Bổ sung dinh dưỡng:

Cây mít là cây thân gỗ lớn, nhiều trái nên nhu cầu dinh dưỡng thường rất cao. Chính vì thế để cây mít đạt năng suất, chất lượng cao và phát triển tốt thì cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây.

a. Phân bón gốc

- Bón phân HCVS (Trichomix-CTĐ, Trimix- N1, Trichomix lân VS …) với lượng từ 4-7kg/gốc, 2-3 tháng bón 1 lần để cung cấp dinh dưỡng cho cây, duy trì độ tơi xốp. Đặc biệt là cung cấp các vi sinh vật đối kháng với nấm, bệnh gây hại cho cây như bệnh xì mũ, thối gốc...

- Bổ sung phân NPK để dưỡng cây, nuôi trái, khi chín múi ngọt và giòn:

+ Trái đạt dưới 30 ngày tuổi: Sử dụng NPK 16-16-8 TE, 20-10-10 TE, … Lượng bón: 0,2-0,5kg/cây.

+ Trái đạt từ 30-60 ngày tuổi: Sử dụng NPK 15-15-15 TE, 16-16-16 TE, … Lượng bón: 0,4-0,6kg/cây.

+ Trái đạt trên 60 ngày tuổi: Sử dụng NPK 14-12-25 TE, 12-12-18 TE...(hàm lượng Kali trắng)...Lượng bón 0,4-0,6kg/cây.

+ Định kỳ hàng tháng bổ sung thêm các sản phẩm phân bón gốc giàu Trung, Vi lượng giúp dưỡng trái và nâng cao phẩm chất trái như Trung vi lượng Bo-Zn, Anomix...với liều lượng từ 0,2-0,3kg/cây.

b. Phân bón lá

- Bổ sung các loại phân bón lá tổng hợp giúp trái mau lớn, xanh gai và múi được giòn ngọt khi chín như: Trimix lớn trái, Gel 27-27-27, Gel 115...

- Cần bổ sung thêm các loại phân bón lá vi lượng để trái phát triển cân đối, tròn và màu sắc đẹp như: vi lượng THT, combi plus, canxi bo kẽm, …

3. Phòng trừ sâu bênh gây hại:

a. Ruồi đục trái

- Ruồi đục trái thường hoạt động vào ban ngày, ruồi cái chích vào vỏ trái và đẻ trứng. Trứng ruồi phát triển thành ấu trùng dòi, sống và gây hại ở bên trong thịt trái. Ruồi gây hại suốt thời kỳ cây mang trái, nhưng chủ yếu là thời kỳ trái non và thời kỳ trái bắt đầu chín.

- Ruồi đục trái là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thối trái trên cây mít, dùng chất dẫn dụ để diệt ruồi đực, bao bọc trái hay xịt thuốc diệt ruồi như: Bisector 500EC, Dragongold 585 EC...

- Dấu hiệu để bà con có thể nhận biết được trái mít bị ruồi đục trái tấn công là ở trên vỏ trái thường có những đốm nhỏ màu nâu có nhựa đục chảy ra, tại những vết bệnh thường bị mềm nhũn.

b. Sâu đục thân, đục cành

  - Sâu gây hại quanh năm và ở mọi giai đoạn phát triển của cây mít. Đầu mùa mưa xén tóc đuôi xám đẻ trứng lên thân, cành của cây mít, sau đó chui vào thân cây để gây hại. Đặc biệt vào tháng 4,5,6 cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm xén tóc để tiêu diệt, sử dụng các sản phẩm như Bakari 512 EC, Danobull F50 ... kết hợp với các sản phẩm làm ung trứng như Chavet MH 600WP, Daiphat 300WP... xịt kỹ vào cành và trái.

- Cách nhận biết cây bị sâu tấn công là ở trên cây có những lỗ nhỏ thấy có mùn gỗ đẩy ra. Sâu gây hại nếu không phát hiện sớm sẽ khiến cây chết, khô cành, gãy cành.

c. Rầy, rệp hại mít

- Có rất nhiều loại rầy, rệp gây hại, các loại rầy rệp này thường gây hại trên lá non, đọt non, trái mít bằng cách chích hút nhựa, trái và lá cây bị quăn queo.

- Rầy gây hại làm giảm tốc độ phát triển của cây, dị dạng ở trái, dùng các sản phẩm phòng trừ như: Akulagold 260EW, Chesone 300WP... kết hợp thêm các sản phẩm bám dính, loang trải như bám dính Neem, thấm sâu Super Absobent...

d. Bệnh thối gốc, chảy nhựa

- Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa hoặc ở những vườn ẩm ướt, bị nhiều vết thương do sâu gây hại chích hút nhựa cây. Dấu hiệu của bệnh là ở gốc cây có vết loét, dịch từ bên trong rỉ ra, vỏ cây ở những điểm này thường bị thối. Bệnh gây hại trên cây khiến lá cây bị vàng, rụng, chết cây, sử dụng các sản phẩm như Cosc 89, Dosay 45WP, SprayPhos 620SL…. Xịt định kỳ 1 tháng 1 lần.

- Để hạn chế bệnh phát triển bà con cần vệ sinh vườn, tạo hệ thống tưới tiêu, thoát nước tốt tránh vườn bị ngập úng, ẩm thấp, thường xuyên thăm vườn xịt nấm Trichodema, bón phân hữu cơ vi sinh để tăng sức đề kháng cho cây.

e. Bệnh xơ đen

- Thường xuất hiện vào mùa mưa, có 02 nguyên nhân chính gây ra là do thiếu dinh dưỡng và vi khuẩn.

 - Để hạn chế mít xơ đen cần bổ sung định kỳ hàng tháng bằng các sản phẩm phân bón lá giàu Ca, Bo...như Siêu Bo Kẽm, CanxiBo... phun định kỳ trước khi cây ra hoa và giai đoạn trái non. Nếu mít ra hoa trong mùa mưa cần tuyển chọn trái kỹ trước khi bọc, xử lý phòng trừ vi khuẩn gây hại cho trái bằng các sản phẩm như Polysuper 275SL, Rorai Sạch khuẩn 21WP...

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059 – Ks. Lê Văn Thành: 0969.726.387.

 

< Trở lại