TÌM HIỂU VỀ pH ĐẤT VÀ MỐI LIÊN HỆ TỚI SINH TRƯỞNG CÂY TRỒNG
Để tạo điều kiện phù hợp nhất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thì môi trường đất đóng vai trò rất quan trọng, trong đó độ pH là thước đo giúp xác định được hiện trạng trong đất có phù hợp với sinh trưởng của cây trồng hay chưa...
Để hiểu rõ thêm về độ pH đất là gì? Và độ pH có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của cây trồng, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về bài viết dưới đây.
1. Khái niệm độ pH đất là gì.
pH hay chỉ số pH (còn gọi là độ pH) là một chỉ số có thang đo từ 1-14, phản ánh tính chất kiềm hay axit của môi trường đất nào đó, trên thực tế thì các loại đất phù hợp với cây trồng chủ yếu có độ pH từ 5 đến 8.
2. Phân loại đất
Thông thường dựa vào mức 7 để chia đất thành 3 dạng:
pH=7 : đất trung tính
pH>7 : đất kiềm
pH<7 : đất chua
Đất có độ pH từ 5,5-7 sẽ phù hợp cho các loại cây trồng vì ở độ pH này sẽ giúp cho rễ cây thuận lợi trong quá trình hấp thụ và trao đổi chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, còn tùy vào đặc điểm và tính chất của từng loại cây trồng mà bà con nông dân cần điều chỉnh độ pH sao cho phù hợp nhất có thể.
3. Cách xác định độ pH đất và cải thiện độ pH đất
3.1: Cách xác định độ pH đất
Có 2 phương pháp xác định độ pH được thực hiện và hiệu quả nhất đó là dùng giấy quỳ tím, máy đo pH thông minh.
- Giấy quỳ:
+ Lấy mẫu đất trồng thuộc tầng lớp canh tác, hay phần đất rễ tơ phát triển nhiều nhất.
+ Bỏ mẫu đất vào ly có đựng nước cất, khuấy đều và để lắng trong thời gian 15-20 phút
+ Dùng giấy quỳ nhúng vào dung dịch đất đã pha loãng, sao cho thấm nước thấm hết bề mặt giấy quỳ, sau đó lấy ra đợi khoảng 1 phút và so sánh màu giấy quỳ đã chuyển với bảng màu pH.
- Máy đo pH đất:
+ Trước khi đo độ pH của đất, ta nên đo độ ẩm trước.
+ Đo độ ẩm: Cắm đầu đo xuống đất sao cho 3 vòng kim loại của đầu đo ngập trong đất, nhấn nút trắng. Đọc chỉ số đo độ ẩm theo kim chỉ trên màn hình (thang đo bên dưới tương ứng từ 0 – 80% độ ẩm)
+ Đo độ pH: Cắm đầu đo xuống đất tương tự như đo độ ẩm (không nhấn nút trắng).
+ Đọc chỉ số pH theo kim chỉ trên màn hình (thang đo trên tương ứng từ 3 – 8 pH).
3.2: Cải thiện độ pH đất
- Đối với đất có pH từ 3.1-6.0 là loại đất có tính axit cao, nên cần bổ sung vôi, Dolonite... (Canxi).
- Đối với đất có độ pH từ 6.1-7.0 là loại đất có tính axit trung bình đến đất trung tính, với loại đất nàychỉ cần duy trì trạng thái canh tác hợp lý, cân đối giữa phân hữu cơ và phânvô cơ để duy trì độ pH này.
- Đối với đất có độ pH từ 7.1-8 là loại đất có tình kiềm, nếu muốn giảm độ kiềm thì cần bổ sung các nguyên tố gây axit hóa như: lưu huỳnh, sắt sunphat…
Lưu ý: Đối với đất có độ pH thấp
- Bón vôi để cải tạo đất: để tăng 1 đơn vị pH đất thì cứ 1 ha bón trung bình từ 1 - 2 tấn vôi bột nông nghiệp (đối với đất thịt).
- Tăng cường bón hữu cơ như phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học...
- Trong vườn nên để cỏ, khi cỏ cao từ 50-60cm thì tiến hành phát cỏ, trừlại gốc từ 3-5cm nhằm hạn chế tầng canh tác bị sói mòn, rửa trôi...
- Chú ý: Nên bón vôi cải tạo đất trước khi bón phân cho cây trồng từ 2-3 ngày và không nên bón chung với phân bón.
4. Ảnh hưởng của pH đối với cây trồng
4.1: pH ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng
- Hầu hết cây trồng sẽ hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất ở môi trường đất trung tính, để đảm bảo cho cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất thì bà con nên duy trì độ pH ở mức 5,5-7,5 bằng cách kiểm tra độ pH định kỳ và cải thiện độ pH đúng cách (Đối với khu vực Bình Phước độ pH đạt từ 6-6,5)
- pH đất đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ và trao đổi chất cho cây trồng, khi pH càng thấp thì quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng càng kém đi.
4.2: pH ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất
-pH thấp (pH<5) ảnh hưởng đến hoạt động của hệ vi sinh vật đất, làm chúng bị ức chế, không phát triển được, khi vi sinh vật trong đất không còn hoạt động mạnh thì gây ra một số ảnh hưởng cụ thể như sau:
+ Các độc tố paclobutrazol, thuốc bảo vệ thực vật… không được phân hủy
+ Ức chế hệ vi sinh vật có lợi hoạt động, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển như phytophthora, fusarium,…
4.3: pH thấp ảnh hưởng đến sinh lý thực vật
- Khi pH đất thấp thì rễ cây phát triển kém, làm cho cây rối loạn chức năng trao đổi chất và hệ miễn dịch, sức đề kháng của cây trồng suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại tấn công cây trồng.
4.4: pH đất thấp khiến cho đất giải phóng độc tố nhiều hơn
- Sắt, nhôm tự do được giải phóng làm cho cây bị ngộ độc
- Các kim loại nặng ở trạng thái ion tự do, gây ức chế cho cây trồng.
- Ngoài ra, pH đất thấp sẽ khiến cho các chất vi lượng trở nên linh hoạt. Điển hình như Fe, Cu, Mn, Bo, Zn… quá trình hòa tan diễn ra nhanh chóng, là nguyên nhân dẫn đến đất bị thoái hóa nhanh.
5. Thói quen canh tác của bà con ảnh hưởng đến độ pH
- Không giữ cỏ, hay lạm dụng xịt thuốc cỏ, làm cho bề mặt đất bị chai cứng, tổn thương đến rễ cây, không tạo được oxy cho đất, từ đó ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng.
- Sử dụng thuốc hóa học quá nhiều, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ vi sinh vật có ích, thậm chí là tiêu diệt chúng, gây ảnh hưởng đến tính chất đất.
- Lạm dụng phân hóa học làm cho đất chai cứng, mặt đất đóng rong, vi sinh vật hoạt động kém, dẫn đến dư tạp chất quá nhiều, cây trồng không hấp thụ được dinh dưỡng, thậm chí bị ngộ độc.
- Không bổ sung nền hữu cơ cho đất định kỳ và đúng cách, vì hữu cơ là nguồn thức ăn để hệ vi sinh vật hoạt động và phát triển, tạo tính đệm cho đất, giúp hệ keo và pH đất ổn định.
* Tóm lại độ pH đất là yếu tố rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng giúp:
- Tiết kiệm chi phí canh tác
- Nâng cao năng suất
- Tăng sức đề kháng cho cây trồng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh gâyhại
- Giúp cho cây trồngdễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng và thực hiện quá trình trao đổi chất tối ưu
* Lưu ý:
- Việc đo pH đất cần phải diễn ra thường xuyên (Định kỳ hàng tháng).
- Việc cải thiện độ pH tùy vào đặc điểm và tính chất của từng loại cây trồng.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.