PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ BỆNH THỐI NHŨN TRÊN TRÁI MÍT THÁI

Mít thái siêu sớm là loại cây dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên trong quá trình mang trái cây rất dể bị nấm bệnh gây hại, đặc biệt là bệnh thối nhũn trên trái mít lớn, khi trái bắt đầu vào múi, lên màu cơm cho đến khi thu hoạch.

Bệnh sẽ làm cho trái bị hư hỏng, không thể thu hoạch, làm ảnh hưởng trực tiếp tới phẩm chất và giá trị kinh tế mà vườn cây mang lại.

1. Nguyên nhân và điều kiện phát triển gây hại:

a. Nguyên nhân.

Bệnh do nấm Phytopthora sp gây ra.

b. Điều kiện phát triển.

- Bệnh thối trái phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, vườn kém thoát nước.

- Bệnh lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây.

2. Triệu chứng:

- Trên trái có một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó phát triển lan rộng thành vùng lớn hoặc cả nửa trái và ăn sâu vào múi, làm thịt trái bị nhũn thối, múi mít bị “bả nhừ”.

- Trong điều kiện ẩm độ cao, vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng, bệnh nặng làm thối cả trái và lây lan sang những trái khác.

Trái mít bị bệnh thối nhũn

3. Biện pháp phòng trừ:

a. Biện pháp canh tác

- Chọn cây giống sạch bệnh. Trồng với mật độ thích hợp, vườn cây cần cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa.

- Rải vôi định kỳ hàng năm 2-3 lần, giúp sát khuẩn nấm và bổ sung canxi đầy đủ cho cây.

- Bón phân cân đối, tránh thừa đạm và bổ sung đầy đủ các thành phần trung vi lượng.

- Phân chuồng cần phải ủ hoai mục bằng chế phẩm Trichoderma trước khi đưa ra vườn bón.

- Cắt tỉa cành sát đất, cành sâu bệnh, để giúp cho vườn cây thông thoáng và cần loại bỏ các hoa mít đực đã khô. Cần cắt tỉa trong ngày nắng ráo và bôi keo liền sẹo sau khi cắt.

b. Biện pháp sinh học

- Tăng cường bón phân Hữu cơ vi sinh (Trichomix- CTĐ, Trimix- N1, Trichomix lân VSV, …) để duy trì độ tơi xốp và cung cấp các vi sinh vật đối kháng nấm bệnh.

- Bổ sung đình kỳ 1 tháng/lần các chế phẩm sinh học đối kháng nấm Phytopthora sp như Trichoderma, Tricho – Nema….

c. Biện pháp hóa học

- Sau khi thu hoạch xong vụ cần tiến hành rửa vườn, phun xịt toàn bộ cây mít bằng các sản phẩm trừ nấm như: Dosay, Rubercare, Copforce Blue, ….

- Khi bệnh xuất hiện cần cắt bỏ đem các trái bị bệnh ra khỏi vườn và tiêu hủy. Sau đó tiến hành dùng các sản phẩm diệt nấm như: diệt nấm Alian, Acodyl, …phun toàn bộ vườn 2-3 lần cách nhau 7 ngày.

  • Lưu ý:

- Cần phải thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời.

- Sau khi tiến hành xử lý các biện pháp hóa học 10-15 ngày thì tiến hành phòng lại bằng các chế phẩm sinh học để ngăn ngừa bệnh tái phát và nâng cao hiệu quả trong phòng trừ bênh.

- Trong quá trình sử dụng nhiều loại thuốc hóa học để trừ bệnh cần phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và cần được sự tư vấn của các kỹ sư để đảm bảo việc phối trộn các loại thuốc phù hợp và hiệu quả nhất.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059

< Trở lại