QUẢN LÝ SÂU VẼ BÙA GÂY HẠI TRÊN CÂY BƯỞI DA XANH
Trong những năm gần đây cây bưởi da xanh đã và đang trở thành một loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nếu được chăm sóc hợp lý và đúng cách. Là một loại cây ăn trái rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Bình Phước.
Để có được những trái bưởi to, đẹp và phẩm chất tốt thì việc quản lý đối tượng sâu vẽ bùa gây hại là rất quan trọng. Đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, trái bưởi phát triển ổn định và đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường.
1. Đặc điểm nhận biết:
- Sâu vẽ bùa cái làm thành nhiều lỗ ở chóp lá hay dọc theo bìa lá rồi đẻ trứng, trứng nở ra sâu non, lúc này chúng đục giữa biểu bì lá thành những đường hầm ngoằn ngoèo, chính vì đặc điểm này mà chúng được đặt tên là “vẽ bùa”.
- Lá cây sẽ bị nhỏ, quăn, co dúm và biến dạng gây ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và khả năng sinh trưởng của cây, ảnh hưởng đến năng suất.
- Cây bị nặng thì hoa và trái cũng trở nên dễ rụng hơn, làm giảm năng suất cây trồng. Ở giai đoạn cây con, nếu bị sâu vẽ bùa tấn công thường xuyên sẽ làm cây kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường.
2. Đặc điểm gây hại:
- Trên cây bưởi da xanh, sâu vẽ bùa xuất hiện quanh năm nhưng thường phát triển với mật độ cao vào mùa khô, khi gặp điều kiện ẩm độ thấp, nhiệt độ cao.
- Chúng có thể gây hại cho cây bưởi da xanh ngay sau khi mới ra đọt non. Trên các cây bón thừa đạm và dư nước chúng sẽ sinh sản rất nhanh.
- Sâu non mới nở đục vào lớp biểu bì mặt dưới lá ăn phần mô mềm, sâu non tiếp tục đục ăn tạo thành những đường ngoằn ngoèo. Sâu đục phá làm lớp biểu bì bị tách khỏi lớp nhu mô, sâu đi đến đâu biểu bì lá phồng lên đến đó.
- Sâu vẽ bùa ăn tới đâu thường bài tiết phân đến đó nên vết phân là một đường liên tục giống như sợi chỉ chạy dài theo đường đục của sâu ở phía chính giữa. Phân sâu lúc đầu có màu xanh vàng, sau thành màu nâu sẫm.
- Vết đục của sâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây bệnh loét.
3. Biện pháp phòng trừ:
a. Biện pháp canh tác:
- Thu dọn lá rụng trong vườn và cắt tỉa các cành lá bị khô héo mang đi đốt bỏ.
- Thường xuyên tỉa cành, tạo tán, giúp khu vườn thoáng khí cũng hạn chế sự gây hại của sâu vẽ bùa.
- Thường xuyên theo dõi quan sát, để bảo vệ các đọt non, nhất là vào các giai đoạn mà điều kiện môi trường thuận lợi cho sự phát triển của sâu.
- Nếu phát hiện trứng, sâu, hoặc nhộng trên lá thì cần cắt bỏ bộ phận sâu ký sinh, tập trung một chỗ để tiêu hủy.
- Xử lý cây ra cơi đồng loạt để dể kiểm soát sâu gây hại.
- Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh Trichomix CAT giúp nâng cao sức đề kháng tổng thể của cây trồng cũng giúp hạn chế sâu vẽ bùa gây hại.
b. Biện pháp sinh học:
- Thiên địch ký sinh: Có nhiều loài ong trong các họ Chalcidoidea và Ichneumonidea ký sinh trên sâu non và nhộng.
- Thiên địch bắt mồi: Nhân nuôi thiên địch kiến vàng Oecophylla smaragdina.
- Sử dụng phun phòng các loại chế phẩm hữu cơ sinh học như: bám dính Neem, dầu khoáng, Meta….. để giúp phòng sâu vẽ bùa ngay từ đầu hoặc hạn chế khả năng phát tán mạnh của sâu.
c. Biện pháp hóa học:
- Trên cây khi đã có sâu vẽ bùa xuất hiện thì cần nhanh chóng xử lý bằng một trong các loại thuốc như: Bakari, Motta, Cadicone… kết hợp thêm dầu khoáng hoặc bán dính Neem... để tăng sự kết bám và tăng hiệu quả của thuốc.
- Xử lý liên tục 2-3 lần cách nhau 7 ngày. Luân phiên các dòng thuốc giữa các đợt xịt giúp tránh sâu vẽ bùa kháng thuốc, tăng hiệu quả tối đa cho các đợt xịt.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.