BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ SÂU ĐỤC TRÁI BƯỞI DA XANH
Bưởi da xanh là một loại cây ăn trái đã và đang đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. Tuy nhiên để sản xuất ra nhưng trái bưởi vừa ngon vừa đẹp thì người trồng bưởi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trái bưởi có thể bị lủng lỗ, xì mủ và không thể sử dụng được. Đó chính là do “sâu đục trái bưởi”, một loại côn trùng rất nguy hiểm và đang có chiều hướng gia tăng mà hiện nay rất nhiều bà con nông dân chưa thể quản lý tốt được.
- Đặc điểm hình thái và sinh trưởng phát triển:
+ Trứng sâu đục trái hình bầu dục, mới đẻ có màu trắng đục, sắp nở có màu cam đỏ. Trứng có hình vảy cá hơi phồng.
+ Sâu non mới nở có màu vàng cam, sâu càng lớn thì màu càng đậm hơn, sâu đẫy sức dài khoảng 19- 22 mm, màu đỏ nâu và chuyển sang màu nâu xanh khi đẫy sức.
+ Nhộng nằm trong đất, màu nâu đậm, dài khoảng 12 – 14 mm.
+ Con trưởng thành là loài ngài có kích thước nhỏ (10 – 12 mm), thân mảnh, màu nâu đậm đến xám nâu. Trên cánh trước có những vệt màu đậm dọc theo gân cánh, khi đậu đầu hơi nhô cao hơn thân và có 2 râu đầu mảnh như sợi chỉ, cong hình chữ C ngược về phía trước.
+ Vòng đời của sâu đục trái khoảng 23 – 30 ngày. Con cái đẻ trứng vào ban đêm, trứng được đẻ thành từng ổ trên bề mặt vỏ trái, mỗi ổ từ 3 – 18 trứng. Thời gian ủ trứng từ 4 – 7 ngày, trứng nở ra ở trên bề mặt vỏ trái, sau 5 – 6 ngày trứng dính trên vỏ bưởi và nở.
+ Sau khi nở khoảng 1 – 2 giờ, sâu non nhanh chóng đục thẳng rồi chui vào bên trong vỏ trái, ăn vỏ, phần xốp và hột của trái, khi sâu đủ lớn sẽ đục vào bên trong ăn phần thịt trái. Khi đẫy sức, sâu nhả tơ thả mình xuống đất và hóa nhộng trong đất.
Hình trứng và sau non
Hình nhộng và ngài trưởng thành
- Đặc điểm năng gây hại:
+ Sâu thường đục từ vị trí giữa trái xuống đáy trái. Sâu có thể gây hại ở tất các giai đoạn phát triển của trái, từ rất sớm sau đậu trái đến trái gần thu hoạch và gây thiệt hại nặng nhất vào lúc trái sắp thu hoạch. Trái non giai đoạn đang phát triển sẽ bị rụng sớm, trái trưởng thành bị thối và rụng, những trái chưa rụng cũng có chất lượng kém.
+ Sâu đục và ăn rất nhanh, thải phân tạo thành lớp mùn cưa bên ngoài vỏ trái, gây xì mủ. Sâu đục tạo vết thương có thể làm bội nhiễm các loại nấm bệnh, ròi… làm trái bị hư thối và rụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của trái.
Hình trái bưởi bị sâu đục trái gây hại
- Biện pháp phòng trừ:
Sâu đục trái bưởi là loài sâu hại rất khó phòng trừ vì đa số nông dân chỉ phát hiện khi chúng đã đục sâu vào trái, giai đoạn này phun thuốc phòng trừ không hiệu quả trên những trái đã bị gây hại. Do đó cần tiến hành tổng hợp các biện pháp quản lý như sau:
a) Biện pháp canh tác:
+ Tỉa cành tạo tán sau khi thu hoạch để vườn thông thoáng.
+ Cần thúc cho bưởi ra trái tập trung để thuận tiện cho việc quản lý sâu đục trái. Hạn chế để trái chín quá trên cây, rụng dưới gốc vì sẽ tạo môi trường để sâu non phát triển. Cần quản lý cỏ dại hợp lý trong thời kỳ này.
+ Thăm vườn thường xuyên để phát hiện thời gian sâu đục trái bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu mới gây hại, khi trái vừa hình thành
+ Sau đậu trái 1 tháng tiến hành tỉa trái (loại bỏ trái phát triển kém, méo mó, chỉ nên để 1-2 trái /chùm). Tiến hành tỉa trái định kỳ hàng tháng trong giai đoạn trái đạt từ 1-4 tháng tuổi.
b) Biện pháp sinh học:
+ Tiến hành phun xịt định kỳ 20-30 ngày/lần trên thân lá và trái bằng các loại men vi sinh có khả năng quản lý sâu hại như Tricho-BT, Tricho-Meta, Nema...
+ Quản lý nhộng trong đất bằng cách tưới men vi sinh Tricho-BT, Tricho-Meta, Tricho-Nema và bổ sung các loại phân bón vi sinh có khả năng phòng trừ nhộng sâu hiệu quả như: Trichomix, Điền trang – Neem, Trimix-N1 chuyên dùng cây ăn trái...với liều lượng từ 4-6kg/cây, định kỳ 2-3 tháng/lần.
+ Nuôi và phát triển các loài thiên địch của sâu đục trái trong vườn như kiến vàng, ong ký sinh họ Trichogrammatidae.
c) Biện pháp hóa học:
+ Vào giai đoạn bưởi mới non mới đậu có thể phun xịt trái 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày bằng các loại dầu khoáng như: Blutoc 250EC, Chevet, Dầu Khoáng SH … để quản lý trứng sâu và sâu non có thể mới nở trên trái.
+ Khi phát hiện có sâu hại trên cần hái, tiêu hủy các trái đã bị gây hại và tiến hành phun xịt kỹ bằng các loại thuốc như: Bakari 512EC, Haihamec 3.6EC… kết hợp với Bám dính Neem hoặc Neem-chito để tăng hiệu quả phòng trừ. Xử lý phun xịt liên tục 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.
Ks. Đỗ Hữu Đức