CHĂM SÓC CÂY HỒ TIÊU SAU THU HOẠCH VÀ TẠO MẦM HOA HIỆU QUẢ TRÊN CÂY NIÊN VỤ 2021-2022
Hiện tại cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang vào thu hoạch. Khi thu hoạch xong cây dễ bị suy kiệt và sức đề kháng giảm. Mỗi mắt trái, mắt lá hái đi đều gây ra vết thương hở, tạo điều kiện cho cây hồ tiêu dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Việc chăm sóc cây hồ tiêu sau thu hoạch rất quan trọng. Nhằm cung cấp một số lượng dinh dưỡng đầy đủ để phục hồi cây, tạo mầm hoa và cho trái ở vụ tiếp theo. Hơn nữa, đây là giai đoạn cũng rất nhạy cảm của cây với điều kiện thời tiết, bị nhiều các đối tượng dịch bệnh tấn công. Do đó cần được chăm sóc kịp thời và đúng cách.
- Chăm sóc sau thu hoạch:
- Cắt bỏ dây tiêu lươn và những tay nằm sát mặt đất. Gom những lá già, lá bệnh đem đi tiêu huỷ và xử lý.
- Tiến hành rửa vườn bằng các sản phẩm như: đồng Nano, đồng đỏ, dosay, sạch khuẩn... giúp diệt trừ các tàn dư nấm bệnh, rong rêu, tảo, địa y...còn sót lại. Tránh tích tụ gây hại qua vụ sau.
- Sau khi xịt rửa vườn xong tiến hành rải vôi toàn vườn với liều lượng từ 0,3-0,5kg/nọc. Tưới nước đủ ẩm.
- Sau khi rải vôi 3-5 ngày tiến hành bón bổ sung 0,5-1kg HCVS+0,5kg Lân/nọc, giúp cho cây phục hồi nhanh, đồng thời giúp cây phân hóa mầm hoa hiệu quả cho vụ tiếp theo. Sau khi bón phân xong, tưới nước đủ ẩm từ 2-3 lần (cách nhau giữa mỗi lần tưới từ 2-3 ngày) giúp cây hấp thụ tối ưu lượng phân đã bón.
- Sau khi thực hiện xong việc tưới nước cho vườn cây như trên, bắt đầu tiến hành hãm nước để cây phân hoá mầm hoa (Điều cốt lõi của việc phân hóa mầm hoa thành công chính là tạo đủ thời gian khô hạn cho cây hồ tiêu). Thông thường đối với cây hồ tiêu quá trình tạo khô hạn trung bình từ 20-35 ngày, tùy vào mức độ sung của cây và loại đất của vườn. Tạo điều kiện để cây hồ tiêu chuyển từ quá trình sinh trưởng sang quá trình sinh thực thành công.
- Chăm sóc rước bông trên cây:
- Khi thời tiết chuyển mùa, bắt đầu mưa đều (trung bình 2-3 ngày mưa 1 lần), tỷ lệ mắt cua nhú trên vườn đạt trên 50%, tiến hành tưới nước đuổi lại cho vườn cây.
- Bón phân phục hồi bộ rễ và phòng bệnh cho vườn cây bằng sản phẩm như HCVS chuyên tiêu, Trichomix... với liều lượng từ 1-2kg/nọc.
- Sau 7 ngày bổ sung bón phân thúc cơi lá non và rước bông cho cây bằng các sản phẩm như: NPK 16-16-8 TE, NPK 19-16-8 TE, NPK 20-10-10 .. với liều lượng từ 0,2-0,3kg/gốc.
- Xử lý hỗ trợ thêm một số loại phân bón lá tạo mầm, hạn chế rụng bông và phòng trừ sâu bệnh gây hại lá non, bông như: Siêu bo kẽm, Gel 17-68-17, Mekong Vil, Mãnh hổ.... (Xử lý 2 lần liên tục, cách nhau 7 ngày).
- Trong giai đoạn nuôi bông để giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tối ưu qua rễ, kích thích phát triển bộ rễ và phòng bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây hồ tiêu thì tiến hành hỗ trợ thêm tưới gốc bằng các sản phẩm can tưới như can Amino + Men Trichoderma (hoặc Vua tuyến trùng) với liều lượng từ 4-6 lít/nọc (Luân phiên với các đợt bón phân hóa học cho vườn cây).
- Lưu ý:
Cần tạo hệ thống rãnh thoát nước tốt, bao gồm hệ thống mương thoát nước chính và hệ thống mương phụ để giúp vườn tiêu không bị ngập úng khi gặp mưa lớn, mưa liên tục.
- Hệ thống mương thoát nước chính: được đào xung quanh vườn tiêu, có tác dụng ngăn không cho nước từ nơi khác chảy vào vườn tiêu và thu nước từ hệ thống mương nhỏ. Hệ thống mương thoát nước chính thường được đào sâu 50 –60 cm, rộng 40–50 cm, có thể tạo hố tự thấm, rút nước nước tại chỗ quanh gốc tiêu.
- Hệ thống mương phụ: sâu 30–40 cm, rộng 20–25 cm, đào vuông góc với hướng nước chảy để chống xói mòn và hạn chế tốc độ dòng chảy. Hệ thống mương này giúp tiêu thoát nước trong vườn tiêu ra hệ thống mương thoát nước chính. Đối với đất bằng thì cách 2 hàng tiêu đào 1 mương phụ, đất dốc thì cách 4-5 hàng tiêu đào 1 mương phụ.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.