BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY HỒ TIÊU CUỐI MÙA MƯA NIÊN VỤ NĂM 2022

Cây hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước. Hiện tại đang bước vào giai đoạn cuối mùa mưa, thời điểm cây đang trong giai đoạn nuôi trái, vào nhân. Để giúp vườn tiêu phát triển và cho năng suất tốt, cần có các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn kịp thời và hợp lý.

1. Vệ sinh vườn:

- Kiểm soát cỏ thường xuyên, không nên làm cỏ trắng, chỉ làm sạch cỏ trong gốc, giữa các hàng tiêu thì nên trồng cây che phủ đất hoặc giữ lại thảm cỏ (chỉ phát khi cỏ đạt chiều cao từ 50-60cm), để tạo nên sự đa dạng sinh học trong vườn.

- Định kỳ hàng tháng tiến hành cắt tỉa các cành cây che bóng trong vườn, cây trụ sống...giúp vườn thông thoáng. Tỉa lần cuối cùng trước khi kết thúc mùa mưa từ 1,5 – 2 tháng và giúp giữ bóng mát cho vườn trong mùa khô.

2. Quản lý hệ thống tưới, tiêu nước:

Mùa mưa vườn tiêu phải được thoát nước tốt, không cho nước đọng ở gốc. Tùy thuộc vào địa hình của vườn tiêu, có thể tiến hành đào các rãnh, hệ thống mương tiêu nước.

- Hệ thống mương nước chính: Được đào xung quanh vườn tiêu, có tác dụng ngăn không cho nước từ nơi khác chảy vào vườn và thu nước từ hệ thống mương nhỏ. Hệ thống mương nước chính được đào sâu từ 50-60cm, rộng 40-50cm, có thể tạo hố tự thấm, rút nước tại chổ quanh gốc tiêu.

- Hệ thống mương nước phụ: sâu 30-40cm, rộng 20-25cm, đào vuông góc với hướng nước chảy để chống xói mòn và hạn chế tốc độ dòng chảy. Đối với đất bằng thì cách 2 hàng tiêu đào 1 mương phụ, đất dốc thì cách 4-5 hàng tiêu đào 1 mương phụ.

3. Hỗ trợ phân bón nuôi trái:

- Tiến hành sử dụng các dòng phân bón gốc, phân bón qua lá để hỗ trợ nuôi trái và chăm sóc cho vườn cây.

- Bón 1-2kg Trichomix ĐT chuyên Tiêu/nọc (Hoặc 3-5kg phân hữu cơ đã xử lý hoai mục). Giúp cải tạo đất, kích thích bộ rễ và phòng bệnh cho vườn cây.

- Sau khi bón phân hữu cơ từ 7-10 ngày bổ dung các dòng phân bón vô cơ có hàm lượng Kali cao như NPK 18-10-20 TE, NPK 18-6-18 TE…với liều lượng 0,2-0,3 kg/nọc. Kết hợp các dòng phân bón gốc trung vi lượng TE như Combi, Anomix...với liều lượng 25-30kg/ha. Giúp nuôi trái, lớn trái và bộ khung cây phát triển tốt.

- Sử dụng các dòng phân bón lá có hàm lượng Kali cao như 10-5-45, 7-5-44, Kali B….giúp hỗ trợ lớn trái, chắc hạt. Tiến hành phun xịt trước khi thu hoạch từ 1,5-2 tháng. Xử lý liên tục 2 lần, khoảng cách 5-7 ngày/lần xịt.

4. Phòng trừ sâu hại:

- Các đối tượng gây hại chính giai đoạn này như rầy thánh giá, bọ xít, rệp sáp…

- Khi phát hiện đối tượng gây hại trên 5%, tiến hành xử lý bằng các sảm phẩm như Stun 20SL, Daiphat, Chesone…Xử lý liên tục 2 lần, với khoảng cách 5-7 ngày/lần xịt.

- Đối với sâu hại vùng rễ nên chủ động phòng trừ định kỳ hàng tháng cho vườn bằng các sản phẩm sinh học như BT MET, Tricho META…tưới gốc với liều lượng từ 4-6L/nọc.

5. Phòng trừ bệnh hại:

 

- Các bệnh gây hại chính giai đoạn này như bệnh thán thư, nấm hồng, chết nhanh, chết chậm…

- Đối với bệnh thán thư, nấm hồng…Khi phát hiện bệnh gây hại trên 5% thì tiến hành xử lí bằng các sản phẩm như Mekong Vil, Amilan…Xử lý liên tục 2 lần, khoảng cách 5-7 ngày/lần xịt.

- Đối với các bệnh gây hại vùng cổ rễ và thân âm như bệnh chết nhanh, chết chậm… nên chủ động các biện pháp phòng trừ định kỳ hàng tháng cho vườn bằng việc phun xịt qua lá, kết hợp tưới gốc bằng các sản phẩm nấm đối kháng như Trichoderma, Tricho Nema…với liều lượng từ 4-6l/nọc, sẽ mang lại hiệu quả tối ưu.

- Với nọc tiêu đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm…tiến hành tiêu hủy ra khỏi vườn. Xử lý vôi và khoanh vùng xử lý thuốc hóa học để hạ ngưỡng bệnh, ngăn ngừa lây lan bằng các sản phẩm như libero, Anlia…kết hợp các sản phẩm hạ phèn, tăng sức đề kháng cho cây như pennax, siêu lân đỏ...phun xịt và tưới gốc với liều lượng 4-6L/nọc.

- Sau khi xử lý thuốc hóa học lần cuối 10 ngày, tiến hành phun xịt và tưới gốc bằng chế phẩm Tricoderma, Nema...với liều lượng 4-6l/nọc, giúp hạn chế bệnh tái nhiễm gây hại.

- Việc sử dụng nấm đối kháng Tricoderma, Nema.. định kỳ hàng tháng ngoài việc phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn tối ưu, còn giúp giải phóng các chất dinh dưỡng trong đất như đạm, lân, kali và một số trung vi lượng khác. Giúp cây tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giảm chi phí phân bón chăm sóc vườn cây.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại