CHĂM SÓC CÂY HỒ TIÊU GIAI ĐOẠN MÙA KHÔ

 

Mùa khô là giai đoạn cây hồ tiêu đang nuôi hạt và chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết. Thời điểm này cây hồ tiêu đang phát triển nhân, quyết định rất lớn đến năng suất và đặc biệt là chất lượng của hạt tiêu. Vì vậy cần tập trung chăm sóc, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây.

I. Quản lý ánh sáng và độ ẩm cho vườn cây.

+ Trước tiên, chúng ta cần quan tâm đến cây trụ sống. Cần cắt tỉa cành và giữ độ che phủ ánh nắng của cây trụ sống còn khoảng 30-50%, đảm bảo râm mát cho cây hồ tiêu. Không nên tiến hành tỉa quá nhiều vào giai đoạn mùa khô vì sẽ làm cây tiêu bị sốc nhiệt và sinh trưởng kém.

+ Giữ ẩm cho gốc tiêu bằng cách dùng rơm hoặc xác bả thực vật (không lấy từ những nơi bị bệnh) phủ quanh gốc tiêu, cách gốc khoảng 20-30cm. Có thể tận dụng những cành lá của nọc sống đã cắt tỉa, băm nhỏ để phủ gốc.

+ Cần giữ thảm cỏ để che phủ cho gốc tiêu, đồng thời giảm bớt tác hại của tuyến trùng tấn công lên rễ tiêu. Kiểm soát thảm cỏ bằng cách duy trì độ cao khoảng 15-20cm và không nên phát cỏ sát gốc hoặc để trống.

+ Cần cắt bỏ bớt những cành tiêu vô hiệu (dây lươn) để những cành còn lại quang hợp tốt nhất và không bị cạnh tranh dinh dưỡng.

II. Quản lý sâu, bệnh hại.

Giai đoạn này cần chú ý các đối tượng sâu hại nguy hiểm như: rệp sáp, rệp muội, tuyến trùng… ảnh hưởng đến năng suất của vườn tiêu.

- Đối với rệp sáp:

+ Trong vườn tiêu khi xuất hiện kiến lửa nên kiểm tra kỹ phần gốc tiêu vì sẽ có rệp sáp gây hại, rệp sáp tiết ra dịch ngọt dẫn dụ kiến đến, kiến lại đưa rệp sáp đi khắp vườn tiêu, dẫn đến việc rệp sáp lây lan, gây hại trên diện rộng.

+ Phát hiện có rệp sáp bà con cần tiến hành sử dụng vòi nước xịt mạnh vào gốc làm rệp sáp bung ra một phần, sau đó áp dụng biện pháp tưới gốc bằng các sản phẩm như như Dragon Gold 585EC, Bisector 500EC... và kết hợp xịt trên lá bằng Chavet MH 600WP, Stun 20SL...

-  Đối với rệp muội:

+ Đối với vườn xuất hiện rệp muội cần xử lý xịt thuốc toàn vườn ngay khi phát hiện, xử lý bằng các sản phẩm thuốc dạng bột có tính mát, không ảnh hưởng đến trái như: KhongRay 54WP, Daiphat 30WP… hiệu quả đi kèm là phòng trừ được bọ xít muỗi và các đối tượng côn trùng chích hút khác.

- Đối với tuyến trùng:

+ Giai đoạn mùa khô là thời điểm để phòng trừ tuyến trùng gây hại trên vườn hiệu quả. Tránh để mật độ phát sinh gây hại nhiều và nặng hơn vào giai đoạn đầu mùa mưa.

+ Tiến hành phòng trừ bằng các sản phẩm như Vua tuyến trùng 50SL, Nema...tưới gốc với liều lượng từ 5-8l/nọc.

Đầu mùa khô cũng hay xuất hiện một số đối tượng nấm bệnh nguy hiểm gây hại vườn như bệnh nấm hồng, cháy lá (lá bị dính lại với nhau như tổ quạ và cháy đen)…

- Bệnh nấm hồng:

+ Nấm hồng xuất hiện trên tiêu ban đầu là một lớp nấm màu hồng mỏng, sau đó lớp nấm dày lên và có màu hồng nhạt, dần nấm chuyển sang màu sáng trắng. Lớp nấm này hút dinh dưỡng làm khô vỏ của dây tiêu, dẫn đến cây tiêu chết từng cụm trên nọc. Khi phát hiện có nấm hồng nên tiến hành xử lý ngay các sản phẩm như Verygold 325SC, Amilan 300SC…(Tiến hành cắt bỏ phần bị bệnh ra khỏi vườn tiêu hủy trước khi xịt thuốc, xử lý liên tục 2 lần, cách nhau 5-7 ngày/lần).

- Bệnh cháy lá (dính lá):

+ Lá tiêu có hiện tượng đen lá, cháy lá. Những lá bị cháy sẽ dính lại với nhau, trên lá xuất hiện những sợi tơ màu trắng như mạng nhện và dính lại. Cần xử lý bằng các loại thuốc như Sumagrow 720WP, Diệt nấm Ancodyl 25EC…Xử lý 2 lần liên tục, cách nhau 5-7 ngày/lần.

Lưu ý: Cần sử dụng định kỳ hàng tháng bằng các chế phẩm nấm xanh nấm trắng BT Met, Meta... để phòng trừ rệp sáp dưới gốc, với liều lượng rải gốc từ 10-20gr/nọc.

III. Quản lý nước và phân bón.

Vào giai đoạn mùa khô cần duy trì đầy đủ nước tưới và phân bón cho vườn tiêu, việc làm này giúp cây có đủ dinh dưỡng, sức khoẻ nuôi trái, giúp hạt tiêu to, tròn và chắc sọ hơn.

+ Mùa khô cây tiêu sẽ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn so với mùa mưa nếu chúng ta cung cấp đầy đủ nước tưới và dinh dưỡng gốc kịp thời.

+ Thời tiết không mưa thì trong giai đoạn nuôi trái mùa khô của cây hồ tiêu trung bình tưới cho cây với liều lượng từ 40-60l nước/nọc/2-3 ngày tưới/lần.

+ Phân bón gốc: bón phân có hàm lượng Kali cao, kết hợp bón trung vi lượng giúp hạt tiêu bóng đẹp, chắc nhân và tăng hương vị...với các sản phẩm phân bón gốc như: NPK 18-6-18 TE, NPK 12-7-17 TE, NPK 19-9-19 TE... với liều lượng từ 0,3-0,5kg/nọc kết hợp các sản phẩm phân bón gốc trung vi lượng như Trung vi lượng BZ, Anomix...với liều lượng 0,1-0,3kg/nọc.

+ Đồng thời nên bổ sung qua lá bằng các sản phẩm phân bón lá có hàm lượng Kali cao như: 7-5-44, 10-5-45…giúp hạt tiêu chắc, vào nhân hiệu quả nhất. Xử lý trước khi thu hoạch từ 25-30 ngày.

+ Ngoài ra, cần tăng cường bón phân chuồng đã ủ hoai mục (Liều lượng từ 5-7kg/nọc) hoặc phân hữu cơ vi sinh (Trichomix Tiêu, Trichomix Xanh…Liều lượng từ 1-2kg/nọc) để tăng khả năng giữ ẩm cho cây tốt hơn vào mùa khô.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059 – Ks. Lê Văn Thành: 0969.726.387.

 

 

 

 

< Trở lại