BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG RỤNG GIÉ TRÊN CÂY HỒ TIÊU

Hiện nay cây Hồ Tiêu trên địa bàn Bình Phước đa phần đã thụ phấn xong, tiếp tục quá trình nuôi trái tiếp theo. Năm nay điều kiện thời tiết mưa nhiều, nắng gắt đan xen nên rất thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây, gây ra hiện tượng rụng gié.

Để hạn chế tối đa hiện tượng này chúng ta cần tìm ra đúng nguyên nhân, từ đó có các biện pháp phòng trừ kịp thời và chính xác ngay từ ban đầu.

1. Côn trùng chích hút (Rầy thánh giá, bọ xít...) và bệnh thán thư gié tiêu:

- Thời điểm: Khi gié hoa bắt đầu hình thành cũng là lúc các loại côn trùng chích hút phát triển mạnh, chúng thường chích hút những mầm non, gié hoa gây thúi chột mầm hoa và tạo vết thương hở để nấm bệnh gây hại dẫn tới rụng gié.

- Biểu hiện: Quan sát trên các gié ở nách lá và các gié hoa rụng có một số vết thương nhỏ lốm đốm màu nâu hoặc các vết cắn ở gié hoa bị rụng.

 

- Điều kiện gây hại: Vườn trồngmật độ dày, không phát cỏ, độ ẩm vườn cao giai đoạn mùa mưa.

- Biện pháp khắc phục: Sử dụng thuốc trừ sâu hàm lượng nhũ dầu thấp hoặc thuốc dạng bột ít nóng như: Somethrin 10EC, Chesone, Daiphat,…kết hợp với các sản phẩm thuốc trừ bệnh như Mekongvil, Sạch nấm bệnh...để phun xịt. Xử lý liên tục 2-3 lần (khoảng cách từ 5-7 ngày/lần xịt).

2. Do mất cân đối dinh dưỡng:

- Thời điểm: Khi cây ra gié hoa đậu trái cũng là lúc cây cần nhiều dinh dưỡng nhất. Để đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây thì cây sẽ đào thải dần những giécó tầng rời (phần cuống gié) mỏng để tập trung cung dinh dưỡng cho nhưng gié hoa còn lại. Do đó nếu thiếu hoặc mất cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng cũng sẽ gây hiện tượng rụng.

- Biểu hiện: thường bị toàn bộ khu vườn, các gié rụng vẫn bình thường không có biểu hiện dấu côn trùng chích hút hay đốm đen.

- Điều kiện phát sinh: bón nguyên tố đạm nhiều dẫn đến mất cân đối Kali. Chuỗi hoa chuyển sang vàng sau đó rụng dần mặc dù cây phát triển rất tốt, đặc biệt là phát triển của lá.

 

- Biện pháp khắc phục:

+ Phòng ngừa bằng cách bón cân đối dinh dưỡng khi cây bắt đầu quá trình ra hoa đậu trái như phân NPK 20-10-10 TE, 16- 16-8 TE, 16-16-16 TE… với liều lượng trung bình từ 0,2-0,3kg/nọc. Định kỳ 2-3 tháng bổ sung từ 1-2kg phân HCVS/nọc.

+ Khi cây đã bị tình trạng rụng gié: sử dụng thêm các dòng phân bón qua lá có hàm lượng Bo, Canxi và Amino cao... để giúp giảm hiện tượng rụng. Ngoài ra bổ sung Silic... tạo vỏ bọc cứng của thành tế bào cây, giúp cây cứng khỏe.

 3. Thời tiết:

- Thời điểm và điều kiện: Thời tiết nắng liên tục, sau gặp mưa lớn. Hoặc mưa dầm sau đó nắng gắt thì gié tiêu rất dễ bị rụng.

+ Ngoài ra trong suốt thời kỳ ra hoa, nuôi trái cây hồ tiêu rất cần tưới đủ nước để hòa tan các loại khoáng chất nuôi cây, nuôi trái và điều tiết nhiệt độ cho cây….

- Biểu hiện: Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao sẽ làm cây mất nước nhanh chóng. Buổi trưa và đầu giờ chiều nhiệt độ có thể lên tới 39-40 độ C hoặc hơn nữa, tiêu sẽ rũ lá.

- Biện pháp khắc phục:

+ Tạo vườn thông thoáng khi thời tiết mưa dầm.

+ Tưới nước thường xuyên với lượng đủ ẩm khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuyệt đối không tưới vào lúc thời tiết đang nắng gắt.

+ Hỗ trợ xử lý thêm các dòng phân bón lá tăng sức đề kháng, hạn chế rụng gié cho cây hồ tiêu như Penac, Natubor...

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại