QUẢN LÝ HIỆU QUẢ RỆP SÁP GÂY HẠI TRÊN CÂY CÀ PHÊ
Rệp sáp là một loại côn trùng gây hại phổ biến trên cây cà phê, xuất hiện quanh năm và thường phát triển gây hại mạnh nhất vào giai đoạn nắng nóng kéo dài. Từ đó làm cây cà phê sinh trưởng kém và tạo môi trường thuận lợi để nấm bệnh gây hại nghiêm trọng vườn cây hơn.
Vậy để quản lý hiệu quả rệp sáp gây hại trên cây cà phê thì chúng ta cần phải hiểu rõ đối tượng này, từ đó đưa ra các biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả nhất.
1. Đặc điểm hình thái.
- Vòng đời của rệp sáp: thời gian trứng nở 3-5 ngày, rệp con 6-7 ngày, rệp trưởng thành 20-30 ngày.
- Trứng hình bầu dục dính với nhau thành ổ tròn, bên ngoài có lớp tơ bao phủ.
- Rệp con mới nở có màu hồng, chưa có lớp sáp, chân phát triển nhanh.
- Rệp cái trưởng thành có hình bầu dục, có nhiều sợi sáp trắng, không có cánh, dài 4mm. Rệp đực trưởng thành thon dài 3mm, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn.
- Rệp trưởng thành thường ít di chuyển, quá trình phát tán và lây lan đa phần nhờ vào cộng sinh với kiến.
2. Đặc điểm gây hại.
- Thời điểm rệp sáp tấn công mạnh nhất là vào mùa nắng và đầu mùa mưa, đặc biệt khi thời tiết có nhiệt độ cao, ẩm độ thấp và sau đó giảm dần khi mưa nhiều. Chúng gây hại hầu hết trên các bộ phận cây trồng như lá, hoa, trái và rễ.
- Rệp sáp gây hại trên hoa, trái: thường thì chúng chích hút qua lớp biểu bì, hút hết chất dinh dưỡng trong dịch cây, làm hạn chế quá trình vận chuyển chất trong cây, dẫn đến rụng hoa, rụng trái, làm giảm chất lượng trái và sinh trưởng của cây.
- Rệp sáp gây hại dưới rễ: rệp sáp sống trong đất, bao phủ quanh rễ, chích hút nhựa cây để lấy chất dinh dưỡng và khi gặp điều kiện thuận lợi thì rệp sáp kết hợp với nấm Bornetina corium… tạo thành lớp măng xông bao quanh rễ cây, làm cho rễ cây không hút được nước và dinh dưỡng, dẫn đến cây vàng, héo lá và suy kiệt dần đến khi chết.
- Ngoài việc chích hút nhựa cây thì chúng còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hóng phát sinh, phát triển và gây hại, làm giảm khả năng quang hợp trao đổi chất của lá.
3. Nguyên nhân quản lý rệp sáp chưa hiệu quả.
- Do bản thân rệp sáp có lớp sáp bao phủ xung quanh, từ đó thuốc BVTV sẽ khó tiếp xúc hết các lớp sáp gây hại trên cây.
- Cơ cấu mẹ chùm con, nên khi xịt thuốc BVTV hầu như chỉ chết lớp rệp sáp bên ngoài.
- Kích thước nhỏ nên chúng thường tấn công và ẩn nấp ở những vị trí khó quản lý tới.
- Trong quá trình phun thuốc bà con thường mở béc phun sương, phun lướt sơ qua nên khả năng thấm sâu chưa cao.
- Khi xịt thuốc trị rệp sáp, bà con chỉ xịt 1 lần, tự ý tăng nồng độ của thuốc dẫn đến tình trạng tái đi, tái lại và kháng thuốc rất cao.
4. Biện pháp phòng trừ.
4.1 Biện pháp canh tác.
- Tiến hành rải vôi định kỳ giúp ổn định chỉ số pH (TB chỉ số pH đạt từ 5.5-6.5).
- Trồng cà phê với khoảng cách phù hợp, tạo độ thông thoáng.
- Bón phân cân đối, tránh thừa đạm, làm sức đề kháng cây giảm dần.
- Thăm vườn thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành sâu bệnh, cành tăm, cành sát đất mang đi tiêu hủy, nhằm hạn chế sự phát triển lây lan của rệp sáp.
- Kiểm soát và diệt trừ các loài cộng sinh như kiến đen, kiến lửa đỏ…
- Bổ sung nền hữu cơ vi sinh định kỳ nhằm ức chế sự phát triển của trứng rệp và rệp trưởng thành bằng cách bón các sản phẩm như Trichomix cà phê ĐT, Trichomix xanh ĐT… bón định kỳ 2-3 tháng/ lần.
- Khi tưới nên dung vòi xịt vào những chùm hoa, trái, những nơi rệp sáp cư ngụ nhằm hạn chế khả năng gây hại và lây lan.
4.2 Biện pháp sinh học.
- Duy trì sự phát triển của các loài thiên địch như bọ rùa, kiến vàng, ong bắp cày, tò vò…
- Chủ động kiểm soát rệp sáp định kỳ bằng các dòng men vi sinh như Tricho-BT, Tricho- meta, BT Met nấm xanh, nấm trắng…
- Sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế trứng nở, con non không lột xác, tăng khả năng bám dính, thấm sâu…như các sản phẩm Neem chito, bám dính neem, dầu khoáng…
4.3 Biện pháp hóa học.
- Khi vườn xuất hiện rệp sáp gây hại trên 5% số lượng cây, cần tiến hành xử lý ngay bằng các sản phẩm thuốc xông hơi, lưu dẫn như Bisector 500EC, Dragongold 585EC, Akulagold 260EW... kết hợp với các sản phẩm ung trứng như Chavez MH 600WP, Ridup 35WG, Thần công 25WP...(Hoặc luân phiên sử dụng cùng các sản phẩm bám dính sinh học, thấm sâu như Bám dính Neem, Neem Chito, Thấm sâu Absobent...).
- Dưới gốc tiến hành rải định kỳ các sản phẩm như Sieugold 85GR... và tưới đẫm nước (Với liều lượng từ 5-10kg/ha).
5. Lưu ý.
- Thời điểm phun thuốc tốt nhất trong ngày là vào lúc trời dâm mát, sáng sớm hoặc chiều tối.
- Chu kỳ sinh trưởng của rệp sáp diễn ra rất nhanh nên khi phát hiện thì tiến hành xịt 2-3 lần liên tục cách nhau 5-7 ngày.
- Khi xịt thuốc cần mở béc mạnh và xịt kỹ vào chùm hoa, kẻ trái để xịt bung được lớp sáp nhằm tăng hiệu quả tối ưu của thuốc.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059 – Ks. Lê Văn Thành: 0969.726.387.