TẠI SAO PHẢI TẨY RONG RÊU TRƯỚC KHI LÀM BÔNG SẦU RIÊNG
Rêu là loài thực vật thân mềm, không có rễ, chúng không thể lấy nước như hầu hết các loại cây trồng khác, cũng không cần đất để phát triển, thay vào đó chúng sẽ hấp thụ lượng nước cần thiết từ độ ẩm không khí.
Đối với cây sầu riêng lâu năm, rong rêu gây rất nhiều tác hại trên thân, cành, lá đến mắt cua, bông và trái. Chính vì vậy nhà vườn nên tiến hành xử lý rong rêu sớm trước khi làm bông, giúp chuẩn bị cho một niên vụ ra bông mới đạt hiệu quả tối ưu nhất.
1. Nguyên nhân xuất hiện:
- Vườn sử dụng nhiều phân bón lá có hàm lượng đạm cao tạo điều kiện cho rong rêu phát triển trên thân cành.
- Việc bón phân thừa đạm cũng tạo điều kiện cho rong rêu xuất hiện trên nền đất khi vườn có ẩm độ cao, rậm rạp. Rong sẽ đi từ phần rễ, gốc đi lên thân, cành nhánh.
- Vườn cây rậm rạp, thiếu sáng, độ ẩm trong vườn tăng, đây chính là môi trường yêu thích để rong rêu sinh trưởng và phát triển.
- Cây trồng thiếu dinh dưỡng, kém phát triển sẽ là cơ hội để cho rong rêu, địa y, nấm... tấn công. Việc rong rêu mọc nhiều cũng phản ánh vấn đề dinh dưỡng của cây.
- Vườn cây ít được chăm sóc, không cắt tỉa cành thường xuyên, không dọn dẹp lá rụng, tàn dư dưới đất, dưới gốc cây cũng tạo điều kiện cho độ ẩm tăng cao, đặc biệt là vào những ngày mưa, khiến rong rêu dễ hình thành, bám quanh gốc và trên nền đất.
- Đất pH thấp, bị chai, ít cơ giới và hệ vi sinh vật hoạt động yếu là môi trường thích hợp để rong rêu phát sinh và phát triển.
2. Tác hại của rong rêu:
- Bó chặt thân cành làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cây, khiến cây suy yếu, nếu nặng có thể làm cho cành bị khô và chết.
- Làm cho độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển gây ra nhiều bệnh hại nguy hiểm trên thân cành như: nấm hồng, rỉ sắt, xì mủ …
- Đặc biệt, rong rêu có thể bám lên mắt cua của sầu riêng và khiến cho mắt cua suy kiệt, có thể dẫn đến khô và không hình thành được hoa.
- Rong rêu còn là nơi trú ngụ của một số loại côn trùng gây hại như trứng sâu, rầy rệp...
- Ngoài ra rong rêu mọc trên đất có tính trơn trượt còn gây khó khăn cho quá trình canh tác như: chăm sóc, thu hoạch, đi lại trên vườn …
3. Biện pháp phòng trừ:
a. Biện pháp canh tác:
- Trồng mật độ thích hợp, cắt tỉa cành nhánh, kiểm soát lá rụng và cỏ dại thường xuyên (định kỳ hàng tháng).
- Tưới nước vừa đủ, chỉ tưới đậm vùng đất quanh tán cây để giữ cho khu vực sát gốc không bị dư độ ẩm.
- Bón phân cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, tránh bón thừa đạm và nên chú ý bổ sung đầy đủ trung, vi lượng cho cây.
- Bón vôi định kỳ 2-3 lần/năm, giúp sát khuẩn nấm vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ Canxi cho cây.
- Không trồng âm và vườn cần phải có hệ thống thoát nước tốt.
b. Biện pháp sinh học:
- Tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh (Trichomix-CTĐ, Trimix-N1, …) với liều lượng từ 20-30kg/cây/năm, để duy trì cho đất tơi xốp và cung cấp thêm các vi sinh vật đối kháng rong rêu và nấm bệnh.
- Phun xịt toàn cây định kỳ 1-2 tháng/lần/trong mùa mưa bằng các loại chế phẩm sinh học có chứa nấm đối kháng rong rêu và nấm bệnh như: Trichoderma, TrichoNema, …
c. Biện pháp hóa học:
- Vào đầu mùa mưa, cuối mùa mưa hoặc sau thu hoạch cần tiến hành phun xịt toàn bộ cây sầu riêng để rửa vườn, phòng trừ nấm bệnh bằng các sản phẩm như: Nano Đồng, Poly super, Sumagrow, …
- Khi cây có rong rêu xuất hiện thì tiên hành phun xịt bằng một trong các loại thuốc như: Tẩy rong rêu, Cosc Đồng 89, Dosay, Đồng Đỏ NL…kết hợp chất bám dính hoặc thấm sâu tăng hiệu quả phòng trừ như Bám dính Neem, Thấm sâu Super Absobent... Xử lý 2-3 lần liên tục, cách nhau 7 ngày.
Lưu ý: Bà con nên thăm vườn thường xuyên để nắm bắt thực trạng của vườn, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời, đúng thời điểm.