PHÒNG TRỪ RỆP SÁP GÂY HẠI TRÊN CÂY CÀ PHÊ GIAI ĐOẠN TRÁI NON
Hiện tại cây cà phê trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang bước vào giai đoạn đậu trái non. Thời tiết mùa khô năm 2023 đã bắt đầu xuất hiện các cơn mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho rệp sáp phát sinh và gây hại cho cây cà phê. Vì vậy cần có biện pháp phòng trừ kịp thời và hợp lý cho vườn cây.
1. Đặc điểm nhận biết:
- Rệp sáp là loài côn trùng nhỏ hình bầu dục. Sau khi nở vài ngày, con non sẽ tiết ra chất sáp dạng bột làm lớp phủ bảo vệ bên ngoài. Lớp phủ này có dạng bông màu trắng giúp dễ nhận biết khi chúng xuất hiện để gây hại trên cây.
- Khi rệp sáp sinh sản và có mật số nhiều thì chúng có tập tính xếp chồng nhiều lớp lên nhau.
- Sau khi hình thành lớp sáp trắng chúng rất ít di chuyển, quá trình phát tán lây lan của chúng đa phần là nhờ cộng sinh với kiến. Vì vậy, nếu thấy kiến xuất hiện nhiều trong vườn cà phê thì nhiều khả năng đã có rệp sáp gây hại.
2. Điều kiện phát sinh, phát triển:
- Rệp sáp thường xuất hiện vào thời kỳ cây cà phê nở hoa đến vụ thu hái. Tuy nhiên sau thu hoạch rệp sáp vẫn sống và đẻ trứng trong cụm hoa chưa nở ở đầu cành.
- Rệp sáp thường phát triển và gây hại trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, đặc biệt là vào mùa khô hanh cây bị thiếu nước, rệp tập chung gây hại ở phía gốc cây và cuống trái (khi cây cà phê bước vào giai đoạn ra hoa và đậu trái non).
- Khi mưa nhiều, ẩm độ không khí cao thì mật độ rệp sáp gây hại cũng sẽ giảm dần xuống.
3. Biểu hiện gây hại:
- Rệp sáp gây hại trên các chùm quả bằng cách chích hút nhựa quả cà phê, làm quả non biến dạng không phát triển được, cây thường còi cọc.
- Trên các bộ phận khác của cây như lá non, hoa, cuống trái non và ngay trên những trái già rệp sáp cũng chích hút nhựa làm cây suy yếu, đọt non bị thui chột, bông có thể rụng hoặc không phát triển được.
- Khi rệp sáp gây hại trực tiếp thì trong chất thải của rệp tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển bao phủ trên các chùm trái, cành mang trái và lá, làm giảm khả năng quang hợp của lá, lá úa vàng, trái khô dần rồi rụng nhiều.
4. Biện pháp phòng trừ:
4.1. Biện pháp canh tác
- Thăm vườn thường xuyên, vệ sinh và cắt bỏ những cành sát đất để hạn chế rệp sáp lây lan. Trồng cây với mật độ thích hợp như 3x3, 3x4, 4x4...
- Kiểm soát các loài kiến cộng sinh với rệp sáp: kiến đen, kiến lửa đỏ...
- Bón phân cân đối, đặc biệt là tránh bón thừa đạm.
- Bảovệ các loài thiên địch của rệp sáp như bọ rùa, ong ký sinh...
- Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh để phá vở nơi trú ngụ của kiến hôi. Nếu trên thân cây có nhiều kiến hôi thì mỗi lần xịt thuốc trừ rệp thì nên xịt cả thân cành để trừ kiến hôi.
- Sử dụng vòi nước xịtvới áp suất mạnh vào nhữngchỗ có nhiều rệp bu bám sẽ làm rệp bị rửa trôi bớt (trước khi xịt thuốc trừ rệp).
- Tăng cường sử dụng vôi bột hàng năm với liều lượng từ 500-800kg/ha.
- Bổ sung thường xuyên các loại phân hữu cơ vi sinh như: Trichomix CTD, Trichomix cà phê…với liều lượng 2000-3000kg/ha. Hạn chế không sử dụng các loại phân chuồng chưa được ủ hoai mục.
4.2. Biện pháp sinh học:
Ứng dụng các chủng nấm ký sinh trùng (nấm xanh, nấm trắng, nấm tím) để phòng trừ rệp sáp trên cây cà phê giai đoạn trái non, có trong các sản phẩm như Tricho– BT, Tricho– META, BT– MET…Tiến hành rải gốc với liều lượng 20-30gr/cây.
4.3. Biện pháp hóa học:
Khi có rệp sáp gây hại trên phần thân cây, chùm trái nontiến hành xử lý bằng các sản phẩm như: Daiphat 30WP, ChavezMH 600WP, Dragongold 585EC, Raptor 400EC….. kết hợp các sản phẩm như Bám dính Neem, Neem Chito, Dầu khoáng SH... để tăng hiệu lực phòng trừ.
Các khu vực cây phát sinh rệp sáp gây hại nhiều tiến hành rải gốc thêm bằng các sản phẩm như Sieugon 85GR...với liều lượng 20-30gr/cây.
Lưu ý:
- Rệp sáp đặc tính xếp chồng lên nhau nên khi phun xịt cần lặp lại 2-3 lần, cách nhau 5-7 ngày/lần để tăng hiệu quả.
- Luân phiên thuốc giữa các lần xịt, để tránh rệp sáp kháng thuốc.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.