NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC BỆNH CỨNG TRÁI GÂY HẠI TRÊN CÂY CHANH DÂY

Chanh dây hiện đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và diện tích đang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên khi canh tác cây trồng này nhà vườn đã gặp phải rất nhiều loại sâu bệnh hại. Trong đó bệnh cứng trái là một trong những bệnh hại nguy hiểm mà người trồng cần quan tâm và phòng trừ kịp thời.

1. Nguyên nhân

- Bệnh cứng trái do virus Passion fruit woodiness(PWV) gây ra. Bệnh có thể lan truyền qua vật liệu nhân giống, dụng cụ làm vườn hoặc qua rầy mềm (Myzus persicae, Aphis gossypii và Aphis fabae ) dưới hình thức lan truyền không bền vững. Tuy nhiên bệnh không lan truyền qua hạt.

- Phương thức lây truyền:

+ Bệnh lây truyền từ cây này qua cây khác thông qua việc dùng chung các dụng cụ làm vườn như: dao, kéo cắt cành, cuốc, …

+ Nhiễm bệnh từ giai đoạn cây con do ghép giống không đảm bảo sạch bệnh.

+ Do các loại côn trùng chích hút nhựa cây mang mầm bệnh từ cây này sang cây khác.

2. Triệu chứng gây hại

- Bệnh có biểu hiện trên cả trái, lá và ngọn non của cây chanh dây với các triệu chứng phổ biến như:

+ Ngọn non bị quăn queo, biến dạng và bị chùn lại.

+ Lá bị khảm, phồng rộp, quăn lại và có kích thước không bình thường. Nếu bị nặng thì lá sẽ có lốm đốm vàng.

+ Trái bị méo mó, kích thước bị nhỏ lại, bề mặt trái bị nổi gồ và có đốm trắng xanh xen lẫn.

- Khi chanh dây bị nhiễm bệnh thì năng suất và chất lượng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

3. Biện pháp phòng trừ

Để hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh cứng trái gây ra người trồng chanh dây cần chủ động phòng bệnh tích cực ngay từ ban đầu, để giảm tối đa thiệt hại bằng biện pháp quản lý tổng hợp:

a. Biện pháp canh tác

- Sử dụng cây giống khoẻ mạnh, sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất giống uy tín. Cây giống cần phải có chứng nhận sạch virus.

- Cần thu dọn sạch sẽ cỏ dại, tàn dư thực vật trên khu vực dự kiến trồng chanh dây. Không trồng xen chanh dây với các loại cây là ký chủ của virus và môi giới truyền bệnh như bầu bí, dưa chuột, su su, cà tím, ớt, …

- Khử trùng đất trồng bằng vôi Dolomite hoặc vôi Calci 100 với lượng từ 0,5-1,0kg/hố trước khi trồng 15-20 ngày.

- Hạn chế sự lan truyền bệnh qua dụng cụ làm vườn bằng cách vệ sinh, khử trùng thường xuyên khi sử dụng.

- Tạo điều kiện thuận lợi để thiên địch có thể phát triển trong vườn (ong ký sinh, côn trùng ăn mồi) (sử dụng thuốc ít độc, nhân nuôi).

- Cần bón phân cân đối và hợp lý, tránh bón quá nhiều đạm.

- Trồng chanh dây với mật độ phù hợp: 800 – 1000 cây/ha.

- Khi phát hiện trên vườn có xuất cây bị bệnh cần tiến hành vệ sinh, tiêu huỷ và thay thế ngay các cây đó.

- Thúc nhánh mang trái ra tập trung để thuận tiện cho việc quản lý sâu bệnh hại.

b. Biện pháp sinh học

- Ưu tiên bón lót bằng các loại phân Hữu cơ vi sinh có chứa hệ nấm đối kháng sâu bệnh hại như: Trichomix-CTĐ, Lân Vi sinh, … Nếu bón lót bằng phân chuồng cần phải lựa chọn phân đã hoai mục hoàn toàn và khi bón lót cần trộn thêm Men vi sinh đối kháng sâu bệnh hại như: Trichoderma, TrichoMeta, BTMet…

- Trong quá trình canh tác nên tăng cường sử dụng định kỳ các loại men vi sinh có khả năng kiểm soát rầy rệp như: BTMet, Tricho-BT, …

- Tăng cường bón thúc bằng các loại phân hữu cơ, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh (Trichomix định kỳ hàng tháng) để cây phát triển khoẻ mạnh và cho trái ổn định.

- Thường xuyên sử dụng miếng dán An Phát để phát hiện sớm các đối tượng côn trùng chích hút để tiến hành quản lý kịp thời.

c. Biện pháp hoá học

- Khi cơi đọt ra đồng loại cần tiến hành phun xịt phòng trừ sâu rầy bằng các loại thuốc như: F50, DT Aba, … kết hợp với các loại phân bón lá phù hợp với cây chanh dây như: Amino Protein, Siêu Bo Kẽm, NPK 27-27-27, …

- Khi phát hiện có rầy mềm xuất hiện cần phun xịt liên tục 2 - 3 lần, cách nhau 5 - 7 ngày/lần, bằng cách luân phiên các loại thuốc như: Daiphat, Chesone, Chavez...kết hợp cùng các sản phẩm phòng trừ virus và nấm như Sạch khuẩn, Gallegold...

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại