MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT GIÚP CẢI THIỆN MẪU MÃ BƯỞI DA XANH Ở BÌNH PHƯỚC

Trái bưởi da xanh ở Bình Phước đã và đang được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng nhưng giá thu mua thường thấp hơn so với nhiều địa phương khác. Nguyên nhân chính là do mẫu mã chưa đạt so với yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu về mẫu mã cho trái bưởi xuất khẩu.

Nhiều nhà vườn ở Bình Phước thường hay gặp phải tình trạng trái bưởi da xanh bị da lu, da cám, vỏ sần sùi, trái méo mó … làm cho mẫu mã kém bắt mắt, giá trị thương phẩm bị giảm đáng kể. Vì vậy bà con nông dân cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để có được những trái bưởi da xanh vừa đẹp vừa ngon, từ đó khẳng định được thương hiệu và đem lại giá trị kinh tế cao.

1. Nguyên nhân và biểu hiện trên trái:

1.1. Sâu hại:

* Nhện: Nhện sẽ làm cho vỏ trái bưởi da xanh bị sần sùi, biến màu (nông dân còn gọi là da lu, da cám). Có 3 loại nhện gây ra hiện tượng da lu, da cám trên trái bưởi da xanh và màu sắc vỏ quả bị gây hại cũng sẽ khác nhau. Vỏ trái bưởi khi bị nhện đỏ gây hại sẽ giống như bị cào và có phủ một lớp màu vàng xạm, nhện vàng làm cho trái bị méo mó, nhỏ, tạo những vết nâu hơi xám, còn nhện trắng gây ra các vết rám, xạm và lan ra khắp bề mặt quả.

* Bọ trĩ: Bọ trĩ gây ra những mãng sẹo màu xám (da cám) trên vỏ trái bưởi da xanh gần giống như triệu chứng nhện gây ra. Tuy nhiên, dấu vết bị gây hại là một vòng tròn tập trung chung quanh lá đài hoặc những mảng nhỏ da cám chằng chịt trên trái. Khi trái lớn lên vết sẹo sẽ lộ rõ và trái có thể bị méo mó.

* Bọ xít muỗi: bọ xít muỗi chích vỏ trái bưởi tạo ra những vệt tròn, loang như vết dầu, xung quanh có màu vàng nhạt, đôi khi có nhựa chảy ra. Các vết chích dần chuyển sang màu nâu nhạt đến đậm và khi trái lớn lên sẽ để lại những vết sẹo tròn màu nâu giống như bị ghẻ.  Những trái bị bọ xít muỗi gây hại thường sẽ sẽ méo mó, dị dạng và nổi ghẻ trên bề mặt vỏ.

1.2. Bệnh hại:

* Bệnh ghẻ trái: do nấm Elsinoe fawcettii gây ra, tạo nên các vết sẹo sần sùi hình chóp nhọn, màu vàng nâu; sau một thời gian vết bệnh hóa bần khô lại có màu nâu sẫm đến nâu xám.

* Bệnh loét trái: do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Citri gây ra, làm cho vỏ trái có các vết lõm xù xì màu nâu, mép ngoài có gờ nổi lên, ở giữa mô chết rạn nứt, vết loét có thể sâu hết phần vỏ quả.

* Bệnh nám trái: do nấm Colletotrichum sp gây ra, vỏ trái sẽ có màu vàng đậm, sau đó phần trung tâm vết nám sẽ chuyển cháy nâu như bị đốt, dần loang rộng ra. Khi gặp điều kiện nắng nóng do ánh sáng mặt trời chiếu vào nhiều vỏ trái sẽ bị thối nhũn.

1.3. Dinh dưỡng:

* Thiếu Canxi (Ca): trái sẽ có hiện tượng bị nứt vỏ làm lộ ruột ra ngoài, nếu trái non sau một thời gian sẽ dễ bị thối còn trái lớn thì mất dần giá trị sử dụng.

* Thiếu Boron (B): trái sẽ có hình dáng bất thường, bị lệch tâm, vỏ dày và sần sùi.

* Thừa Đạm (N): trái bị sồ, vỏ dày và méo mó.

* Thiếu Kali (K2O): trái có hình dạng nhỏ, màu sắc kém, vỏ dày.

2. Biện pháp kỹ thuật cần tác động:

2.1. Phòng trừ sâu hại:

a. Biện pháp canh tác:

- Bón phân cân đối, không thừa đạm. Trên những vườn bón nhiều phân đạm đạm thì mật độ côn trùng gây hại thường cao hơn những vườn bón phân ít phân đạm.

- Tỉa cành tạo tán sau khi thu hoạch để vườn được thông thoáng kết hợp vệ sinh cỏ dại vào giai đoạn cây ra đọt non và ra hoa để hạn chế nơi trú ẩn của bọ xít muỗi.

- Cần thúc cho bưởi ra đọt, ra trái tập trung để thuận tiện cho việc quản lý.

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời, đặc biệt là giai đoạn cây ra hoa, đọt non trong điều nắng nóng.

- Khi thời tiết nắng nóng kéo dài nên tưới phun nước lên tán cây để hạn chế mật độ nhện và bọ trĩ.

- Sau khi đậu 1 tháng cần tiến hành tỉa trái (loại bỏ trái bị nám, có nốt thâm, chỉ nên để 1-2 trái /chùm). Tiến hành tỉa trái định kỳ hàng tháng trong giai đoạn trái đạt từ 1-4 tháng tuổi.

b. Biện pháp sinh học:

- Tiến hành phun xịt định kỳ 20-30 ngày/lần trên thân lá và trái bằng các loại men vi sinh có khả năng quản lý tốt côn trùng gây hại như Tricho-BT, Tricho-Meta, BT Met, …

- Tăng cường bón các loại phân vi sinh có khả năng kiểm soát sâu bênh hại như: Trichomix-CTĐ, Điền trang – Neem, Trimix-N1 chuyên dùng cây ăn trái,... với liều lượng từ 4-6kg/cây, định kỳ 2-3 tháng/lần.

- Thúc đẩy sự phát triển của các loài thiên địch trong vườn như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, nhện nhỏ ăn thịt, kiến vàng, ...

c. Biện pháp hóa học:

- Khi hoa bưởi da xanh chuẩn bị nở cần tiến phun xịt liên tục 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày bằng các loại thuốc như: Dầu Khoáng SH, Absorbent, … để quản lý trứng nhện và bọ trĩ.

- Khi thấy nhện, bọ trĩ hoặc bọ xít muỗi trên cây cần nhanh chóng phun xịt tiêu diệt. Đối với nhện nên sử dụng các loại thuốc như: Nhện đỏ 777, Sampider, KaMai, … Đối với bọ trĩ nên sử dụng: Thần kiếm, F50, Daiwantin, … Đối với bọ xít muối thì nên sử dụng: Daiphat, Chesone, KasakiUsa, …

- Tiến hành phun xịt liên tục 2-3 lần, cách nhau 5-7 ngày và nên kết hợp thuốc với Bám dính Neem hoặc Neem-chito để tăng hiệu quả phòng trừ.

2.2. Phòng trừ bệnh hại:

a. Biện pháp canh tác:

- Cần cắt bỏ và tiêu hủy các trái bị nám. Đối với trái bị ghẻ hoặc loét nếu trái còn nhỏ nên cắt bỏ sớm.

- Bón phân cân đối, tỉa cành, tạo tán hợp lý giúp bộ lá của cây che chắn tốt cho trái, giảm bớt cường độ ánh sáng ban ngày chiếu vào trái. Có thể dùng thêm tấm che để hạn chế trái bị nám. Ngoài ra nên hạn chế để trái đầu cành.

b. Biện pháp sinh học:

Tăng cường bồ sung định kỳ các dòng phân HCVS như Trichomix-CTĐ, Trimix-N1...giúp tăng sức đề kháng và phòng bệnh tốt cho vườn cây.

Phòng bệnh định kỳ 20-30 ngày/lần bằng các loại men vi sinh như Trichoderma, Tricho-Nema.

c. Biện pháp hóa học:

- Khi trái bị ghẻ sử dụng các loại thuốc như: Amilan, Grangold, Gallegold, ...Đối với trái bị loét sử dụng các loại thuốc như: Anlia, Copfore, Gallegold, …Còn đối với vườn bị nám trái thì nên sử dụng trên các trái chưa bị bằng các loại thuốc như: Verygold, Sumagrow, Anlia,…

 - Xịt ướt đều toàn cây 2 lần liên tục, cách nhau 7-10ngày.

2.3. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân đối:

- Nên tăng cường sử dụng các loại phân HCVS có hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ và có khả năng nâng cao chất lượng, mẫu mã trái như: Trichomix-CTĐ, Trimix-N1, …Nên bón từ 10-20 kg/cây/năm, chia làm 3-4 lần bón.

- Đối với phân hóa học cần được sử dụng một cách cân đối. Áp dụng chế độ bón thích hợp, đảm bảo các yêu cầu: đúng loại phân, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách. Trong suốt quá trình mang trái có thể chia làm 4 lần bón cụ thể như sau:

 + Giai đoạn bằng quả trứng gà (khoảng 1 tháng sau đậu trái): lúc này trái bưởi lớn rất chậm, có thể chọn loại phân như: NPK 20-20-15 hoặc NPK 16-16-8. Lượng bón từ 0,2-0,5kg/gốc.

 + Giai đoạn sau đậu trái 2,5 tháng: thời điểm này trái bưởi đã qua giai đoạn rụng sinh lý, số lượng trái trên cây đã ổn định và trái phát triển tương đối nhanh về kích thước. Nên sử dụng các loại phân như: NPK 16-16-16 hoặc NPK 15-15-15. Lượng bón từ 0,4-1,0kg/gốc. Kết hợp thêm phân trung vi lượng Anomix hoặc vi lượng THT với lượng từ 0,2-0,5kg/gốc.

 + Giai đoạn sau đậu trái 4 tháng: đây là giai đoạn trái phát triển kích thước nhanh nhất, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây nuôi trái. Chọn bón các loại phân như: NPK 15-5-20 hoặc NPK 12-11-18. Lượng bón từ 0,5 đến 1,0kg/gốc. Nên kết hợp tưới thêm phân Can Amino để trái lớn nhanh và tròn đều.

 + Giai đoạn sau đậu trái 6 tháng: trái bưởi trong giai đoạn này đã đạt kích thước gần tối đa, trái chủ yếu phát triển tép múi, nếu cung cấp đủ phân Kali trái sẽ ngon và căng vỏ. Nên bón phân Kali trắng với lượng từ 0,2-0,5kg/gốc. Ngoài ra, cần tưới thêm phân Can Amino để trái bưởi có vỏ nhẵn, bóng và tép múi giòn ngọt, đảm bảo được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059 – Ks. Lê Văn Thành: 0969.726.387.

< Trở lại