BIỆN PHÁP QUẢN LÝ SÂU KEO MÙA THU GÂY HẠI BẮP NIÊN VỤ 2022

Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh khác trong cả nước xuất hiện loại sâu mới gây hại trên cây bắp, có tên gọi là sâu keo mùa thu, với khả năng gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn bắp.

Hiện tại sâu non và sâu trưởng thành có khả năng kháng thuốc cao, sâu trưởng thành có thể di chuyển nhanh và phát tán xa, gây tâm lý lo lắng và hoang mang cho người nông dân.

1. Đặc điểm nhận biết :

- Giai đoạn trứng: Trứng dạng quả cầu, đường kính khoảng 0,4mm, cao 0,3mm, màu trắng ngà.

- Giai đoạn sâu non (Ấu trùng): Sâu non có 6 tuổi, khi mới nở đầu sâu có màu đen, đến tuổi 2-3 thân màu xanh lá cây, có sọc trắng điểm các đốm đen. Sâu sang tuổi 4-6 đầu màu nâu đỏ, có đốm trắng, thân có màu nâu đậm xen lẫn màu xanh lá cây, có sọc trắng, nâu chạy xen kẽ dọc thân. Trên thân có nhiều đốm đen, có gai lông. Đặc điểm nhận biết sâu keo mùa thu là đầu có chữ Y ngược, màu vàng, ở đốt bụng cuối có 4 chấm đen xếp thành hình vuông.

- Giai đoạn nhộng: Giai đoạn nhộng trong đất, được vùi sâu khoảng 2-8cm. Nhộng hình bầu dục, dài 1,5cm, có màu nâu đỏ.

- Giai đoạn ngài hay còn gọi là bướm: Bướm dài khoảng 1,7cm, có sải cánh dài khoảng 3,8cm, cánh trước màu nâu xám, cánh màng trong màu xám bạc có viền đậm ở rìa cánh.

2. Đặc điểm gây hại :

- Sâu keo mùa thu gây hại chủ yếu ăn lá, thân. Sâu non mới nở, cắn lá phía dưới, lúc đầu chúng cạp biểu bì, để lại màng mỏng, sâu non ăn lá thành các lỗ nhỏ như lỗ kim.

- Sâu lớn ăn từ mép lá vào trong và ăn khuyết thành hàng dài trên phiến lá. Thông thường trên 1 cây chỉ có 1-2 con sâu do tập tính ăn thịt đồng loại khi sống gần nhau. Sâu lớn (tuổi 4-6) ăn phá mạnh, chỉ để lại gân lá và thân cây. Sâu lớn chui vào loa kèn gây hại đỉnh sinh trưởng của cây. Sâu còn đục vào thân, vào bắp ăn hạt non gây thiệt hại rất lớn.

3. Biện pháp phòng trừ :

a . Biện pháp canh tác :

+ Làm đất kỹ, phơi đất khô để tiêu diệt ấu trùng, nhộng trong đất.

+ Gieo trồng luân canh, xen canh giữa bắp với các cây trồng khác.

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng giai đoạn cây bắp đc 3-6 lá để có biện pháp tiêu diệt sâu non.

+ Chọn bắp kháng lại các loại sâu như DK9955S, DK6919S…

b . Biện pháp sinh học :

+ Bón lót bằng các loại phân hữu cơ vi sinh đã qua xử lý (Trichomix-CTĐ , Trichomix Lân VS...với liều lượng từ 50-100kg/1000m2 ) để giúp cây sinh trưởng và tăng sức đề kháng cho cây.

+ Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng ...có trong các sản phẩm như Tricho-BT, Tricho-Meta , BT Met... xịt khi sâu còn tuổi nhỏ.

+ Nhân thả ong ký sinh trứng (Ong mắt đỏ…) các loại bắt mồi như bọ đuôi kìm, bọ ngựa ... để kiểm soát sâu non mới nở.

+ Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn nhằm phát hiện thành trùng để kịp thời xử lý.

c. Biện pháp hóa học :

+ Khi phát hiện sâu gây hại trên vườn bắp , tiến hành xử lý ngay khi sâu 1-3 tuổi (giai đoạn bắp 3-6 lá) bằng các sản phẩm thuốc như : Bakari, Rios Thái, Cadicone …kết hợp thêm với bám dính Neem, Dầu khoáng, Super Asobent…để tăng hiệu quả phòng trừ.

+ Tiến hành xử lý liên tục từ 2-3 lần , cách nhau giữa các đợt xử lý từ 5-7 ngày.

+ Lưu ý: phun ướt đều trên lá, thân, ngọn bắp . Thời điểm xử lý vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại

Tin liên quan

Hiện nay không có các mục tin tức.