BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ CÁC ĐỐI TƯỢNG GÂY HẠI TRÊN CÂY CHÔM CHÔM THỜI KỲ KINH DOANH
Chôm chôm là một trong những loại cây ăn trái được trồng nhiều ở Bình Phước. Giá trị sản xuất của ngành hàng chôm chôm liên tục tăng trong những năm qua. Chính vì vậy, cây chôm chôm đang được rất nhiều bà con nông dân quan tâm để lựa chọn canh tác.
Để canh tác cây đạt hiệu quả kinh tế cao bên cạnh việc chăm sóc đúng kỹ thuật thì người trồng cần phải áp dụng các biện pháp phòng trừ các đối tượng gây hại một cách hợp lý và kịp thời.
I. Sâu hại
1. Rệp sáp
a. Đặc điểm gây hại:
- Trong suốt giai đoạn phát triển của trái chôm chôm từ khi còn nhỏ cho đến khi chín đều có thể bị rệp sáp gây hại. Chúng thường xuất hiện với mật độ cao ở những chùm nhiều trái, dầy đặc và chích hút nhựa cây ở cuống trái, trái.
- Trên trái non nếu mật số của rệp cao sẽ làm cho trái không phát triển được và có thể bị rụng sớm. Nếu mật số rệp thấp hoặc tấn công khi trái đã lớn thì trái vẫn tiếp tục phát triển nhưng chất lượng trái bị giảm.
- Rệp sáp gây hại sẽ tạo môi trường thích hợp cho nấm bồ hóng phát triển, sẽ làm cho vỏ trái bị đen và làm giảm giá trị thương phẩm.
b. Biện pháp phòng trừ:
* Biện pháp canh tác:
- Trồng cây với mật độ thích hợp, không quá dày để vườn luôn được thông thoáng và phát triển tốt.
- Vệ sinh vườn thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá,...để vườn luôn thông thoáng.
- Khi có rệp sáp xuất hiện tiến hành dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật xung quanh gốc.
- Cần tỉa trái phù hợp, không để quá nhiều trái trên một chùm.
- Bón phân cân đối, đặc biệt là tránh bón thừa đạm để cây chôm chôm sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống chịu với rệp.
- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp sáp kịp thời, nhất là giai đoạn cây đang có đọt non, lá non, bông và nuôi trái.
* Biện pháp sinh học:
- Tạo điều kiện cho sự phát triển của các loài thiên địch như: kiến vàng, ong bắp cày, tò vò, bọ rùa...
- Quản lý rệp sáp trên cây bằng cách phun xịt định kỳ toàn cây, đặc biệt là trên trái 20-30 ngày/lần bằng các loại men vi sinh có khả năng kiểm soát tốt rệp sáp Tricho-BT; Tricho-Meta; BT Met, Neem Chito...
- Quản lý rệp sáp gây hại vùng rễ chôm chôm bằng cách tưới gốc định kỳ 1-1,5 tháng/lần bằng một trong các loại men kể trên, kết hợp bón các loại phân vi sinh có khả năng phòng trừ hiệu quả rệp sáp như: Trichomix, Hữu cơ N1 ghép màng, Trimix-N1... với liều lượng từ 5-15kg/cây/năm.
* Biện pháp hóa học:
- Trên cây, khi có rệp sáp xuất hiện tiến hành phun xịt 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày bằng các loại thuốc như: Daiphat, Miretox, Chavez, ... kết hợp bám dính Neem, Dầu khoáng, ...
- Dưới gốc, khi thấy rệp sáp xuất hiện thì sử dụng các sản phẩm như Bakari, Rồng lửa, Rầy xanh Plus, … để xử lý đổ gốc.
- Tiêu diệt kiến lửa khi thấy chúng xuất hiện trên vườn chôm chôm bằng các loại thuốc như: Diệt kiến Kasakiusa, Bakari, …
2. Sâu đục trái
a. Đặc điểm gây hại:
- Trên cây chôm chôm sâu đục trái có thể gây hại từ khi trái còn non cho đến khi trái chín, nhưng nặng nhất thường là khi trái bắt đầu có cơm.
- Khi trái còn non, sâu thường nhả tơ kết dính vài trái lại với nhau rồi cắn phá bên trong trái, chúng ăn rỗng cả phần hạt của trái non, làm trái bị biến dạng, khô và rụng. Trường hợp sâu tấn công trễ khi trái đã lớn thì làm trái bị hư, mất giá trị thương phẩm.
b. Biện pháp phòng trừ:
* Biện pháp canh tác:
- Tỉa cành tạo tán để vườn thông thoáng, cắt tỉa những cành không cho trái nằm khuất trong tán cây.
- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện thời gian ngài trưởng thành của sâu đục trái bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu non mới gây hại.
- Thu gom những trái đã bị sâu hại đem chôn hoặc tiêu hủy.
* Biện pháp sinh học:
+ Tiến hành phun xịt định kỳ 20-30 ngày/lần trên thân lá và trái bằng các loại men vi sinh có khả năng quản lý sâu hại như Tricho-BT, Tricho-Meta, BT Met,…
+ Quản lý nhộng trong đất bằng cách tưới men vi sinh Tricho-BT, Tricho-Meta, BT Met... và bổ sung các loại phân bón vi sinh có khả năng phòng trừ nhộng sâu hiệu quả như: Trichomix, Điền trang – Neem, Trimix-N1 chuyên dùng cây ăn trái...với liều lượng từ 4-6kg/cây, định kỳ 2-3 tháng/lần.
+ Nuôi và phát triển các loài thiên địch của sâu đục trái trong vườn như kiến vàng, ong ký sinh họ Trichogrammatidae.
* Biện pháp hóa học:
+ Vào giai đoạn trái chôm chôm mới có cơm có thể phun xịt trái 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày bằng các loại dầu khoáng như: F50, Daiwantin, DT Aba, ...để phòng sâu non mới xuất hiện.
+ Khi phát hiện có sâu xuất hiện cần hái, tiêu hủy các trái đã bị gây hại và tiến hành phun xịt kỹ bằng các loại thuốc như: Redsuper 39EC, F50, Thần kiếm, … kết hợp với Bám dính Neem hoặc Neem-chito để tăng hiệu quả phòng trừ. Xử lý phun xịt liên tục 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần.
II. Bệnh hại
1. Bệnh phấn trắng
a. Nguyên nhân và triệu chứng:
- Bệnh do nấm Oidium sp. gây ra và gây hại chủ yếu trên hoa, trái non và lá non.
- Trên hoa: cả phát hoa bị bao phủ bởi một lớp nấm màu trắng xám, làm cho hoa bị khô, đen và rụng đi.
- Trên trái non: nấm tấn công và bao phủ một lớp trên trái làm trái bị khô đen có thể rụng đi hoặc treo trên cây. Nếu nấm tấn công vào giai đoạn trái lớn sẽ làm cho râu trái bị ngắn, đổi màu đen, gây hiện tượng râu kẽm trên trái chôm chôm, trái bị nhiễm bệnh sẽ kém phát triển, cơm mỏng.
- Trên lá non: trên bề mặt lá bị bao phủ một lớp nấm màu trắng xám, nấm phát triển trên cả hai mặt lá, làm cho lá bị xoăn, còi cọc và cuối cùng là chết khô.
b. Biện pháp phòng trừ:
- Tiến hành cắt tỉa cành để giúp vườn cây chôm chôm được thông thoáng, cắt tỉa những cành già cỗi, cành mang mầm bệnh, phát hoa, trái khô đen bị nhiễm bệnh còn sót lại của vụ trước.
- Tăng cường bổ sung các phân hữu cơ vi sinh như: Trichomix, Điền trang – Neem, Trimix-N1, … để giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng đề kháng.
- Vào giai đoạn không khí có ẩm độ cao, thuận lợi cho sự phát triển của bệnh, nên tiến hành phun ngừa khi hoa bắt đầu nở bằng các loại men vi sinh như: Trichoderma, Tricho-Nema, …
- Khi thấy bệnh xuất hiện thì tiến hành phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày bằng các loại thuốc như: Verygold, Amilan, ...
2. Bệnh thối trái
a. Nguyên nhân và triệu chứng:
- Bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra.
- Bệnh xuất hiện chủ yếu khi trái sắp thu hoạch, đồng thời gặp những đợt mưa kéo dài kết hợp với điều kiện nóng ẩm, vườn cây rậm rạp, cành dễ tiếp giáp mặt đất, những chùm trái trong tán cây.
- Vết bệnh ban đầu là những đốm nâu đen, về sau vết bệnh lớn dần và ăn sâu vào bên trong thịt trái, thịt trái bị thối nhũn và có mùi hôi chua khó chịu.
- Trái thối còn treo trên cây hoặc rụng xuống đất.
b. Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh vườn thông thoáng, thu gom trái bị bệnh đem tiêu hủy.
- Tăng cường công tác phòng bệnh bằng cách phun xịt định kỳ 1-1,5 tháng/lần trong mùa mưa bằng các loại men vi sinh có thể kiểm soát tốt nấm Phytophthora sp., đồng thời tăng cường bón các loại phân hữu cơ vi sinh có khă năng cung cấp dinh dưỡng, tăng đề kháng cho cây trồng và kiểm soát nấm bệnh trong đất như: Trichomix, Điền trang – Neem, Trimix-N1, …
- Khi trái chuẩn bị chín, nếu gặp mưa nhiều nên phun phòng bệnh bằng các thuốc như: Sumagrow, Rubbercare, Eifelgold, …
3. Bệnh cháy lá
a. Nguyên nhân và triệu chứng:
- Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh cháy lá chôm chôm là do sự xâm nhập của nấm Pestalotia, Phomopsis…
- Bệnh xảy ra trên các lá đã trưởng thành, phần đầu chóp lá thường bị cháy khô có màu nâu đến nâu xám, vết bệnh lan nhanh từ chóp lá trở vào.
- Giữa vùng bệnh và vùng khỏe trên lá thường có một đường viền màu nâu đỏ nổi rõ lên. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy những ổ nấm màu đen.
- Bệnh thường xảy ra và lây lan mạnh mẽ trong mùa nắng, đặc biệt khi thời tiết khắc nghiệt kéo dài.
- Bệnh xuất hiện phổ biến trên những vườn trồng chôm chôm chăm sóc kém, bón phân hoá học không cân đối và trên những vườn ít bón phân chuồng, phân hữu cơ.
- Bệnh không làm rụng lá nên không gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây.
b. Biện pháp phòng trừ:
- Cắt tỉa và tạo tán cho cây chôm chôm được thông thoáng.
- Nên bón phân hoá học một cách cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm.
- Tăng cường bón các loại phân hữu cơ có khả năng cải tạo đất, tăng sức chống chịu, kiểm soát mầm mống nấm trong đất và cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho cây chôm chôm như: Trichomix, Điền trang – Neem, Trimix-N1 chuyên dùng cây ăn trái...với liều lượng từ 4-6kg/cây, định kỳ 2-3 tháng/lần.
- Trồng cây với mật độ vừa phải, tránh trồng dày hoặc xen quá nhiều cây trồng khác trong vườn chôm chôm. Trong mùa nắng nóng nên tưới nước và che mát cây cũng hạn chế được bệnh cháy lá cho cây.
- Khi thấy bệnh xuất hiện thì tiến hành phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày bằng các loại thuốc như: Rubbercare, Verygold, Amilan, ...
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059 – Ks. Lê Văn Thành: 0969.726.387.