PHÒNG TRỪ BỌ XÍT MUỖI GÂY HẠI TRÊN CÂY ĐIỀU GIAI ĐOẠN RA CHỒI NON VÀ HOA

Trên cây điều ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, bọ xít muỗi gây hại quanh năm vì cây ra chồi non liên tục. Còn khi bước vào giai đoạn kinh doanh bọ xít muỗi gây hại nghiêm trọng nhất khi cây ra chồi non và ra hoa, có thể làm thiệt hại hoàn toàn năng suất cây điều.

Hiện tại cây điều đang bắt đầu bước vào giai đoạn rụng lá, ra chồi non và hoa. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời tiết 2022 xuất hiện nhiều cơn mưa vào giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa khô, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ xít muỗi phát sinh và gây hại. Vì vậy cần có biện pháp phòng trừ kịp thời và hợp lý cho vườn cây.

1. Đặc điểm hình thái:

Trong vườn điều thường xuất hiện hai loại bọ xít muỗi gây hại.

- Loài thứ nhất là bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora Waterh) có đặc điểm đầu hơi xanh hoặc đen, phần lưng ngực có vệt ngang nâu vàng, bụng màu xanh cẩm thạch, ấu trùng có màu xanh lá mạ.

- Loài thứ hai là bọ xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii Sign) có phần đầu đen, phần lưng ngực màu đỏ, ấu trùng có màu đỏ.

2. Điều kiện phát sinh và phát triển của bọ xít muỗi:

- Nhiệt độ thích hợp để bọ xít muỗi phát sinh, phát triển gây hại trung bình từ 25 - 28°C, ẩm độ trên 90%, tiết trời mát, âm u, nóng ẩm.

- Chúng hoạt động mạnh vào buổi sáng (trước 9 giờ) và chiều tối (sau 4 giờ chiều), khi thời tiết nắng nóng thì ẩn nấp dưới tán lá, ngày âm u thì hoạt động cả ngày.

- Vườn điều không được thông thoáng, khung cành rậm rạp và thiếu ánh sáng.

- Giai đoạn cây điều ra chồi non, hoa có điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào để bọ xít muỗi phát sinh, phát triển và gây hại mạnh.

3. Biểu hiện gây hại:

- Bọ xít muỗi chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây điều vào sáng sớm và chiều mát.

- Trên lá và chồi non: Xuất hiện các chấm màu đen, lá chồi non cong biến dạng và khô trên cây.

- Trên hoa và trái non: Hoa đen và khô thành từng chùm, trái non bị hại thì bề mặt có những đốm tròn, nâu nhăn lại và khô. Vết chích của bọ xít muỗi còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhập.

4. Biện pháp phòng trừ:

4.1. Biện pháp canh tác:

- Làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán để vườn điều thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ thường xuyên của bọ xít muỗi.

- Thăm vườn thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều tối (5 - 6 giờ) kiểm tra mật độ bọ xít muỗi vào thời kỳ cây điều ra chồi non, lá non, ra hoa để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

4.2. Biện pháp sinh học:

- Bảo vệ các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen hoặc kiến vàng, bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi...

- Kiến vàng là thiên địch hữu hiệu nhất, chúng ăn ấu trùng trưởng thành của bọ xít muỗi và xua đuổi, ngăn cản bọ xít muỗi trưởng thành đến chích hút hoặc đẻ trứng nếu đạt mật số cao.

- Sử dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizum anisopliae, Beauveria bassiana hoặc Paecilomyces sp...có trong sản phẩm như: BT Met, Meta, Tricho BT... xử lý phòng trừ bọ xít muỗi khi tuổi còn nhỏ.

4.3. Biện pháp hóa học

- Khi mật độ gây hại trên 5% toàn vườn tiến hành xử lý bằng các sản phẩm như: Stun 20SL; Somethrin 10EC; Chavez MH 600WP, Bác sĩ điều 3.6EC…kết hợp các sản phẩm phòng trừ nấm bệnh như Mekong vil 5SC, Sạch nấm bệnh 80SC, Amilan 300SC, … để xửlý hiệu quả bọ xít muỗi và nấm bệnh gây hại đồng thời cho vườn cây.

- Tiến hành xử lý 2 lần liên tục, khoảng cách từ 5-7 ngày/lần.

Lưu ý:

- Luân phiên các loại thuốc giữa các đợt xịt để tránh hiện tượng kháng thuốc.

- Thực hiện phun xịt theo nguyên tắc 4 đúng.

- Tiến hành phun xịt vào sáng sớm (kết thúc 9-10h) hoặc chiều mát (bắt đầu từ 14-15h).

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại