KHẮC PHỤC HIỆU QUẢ HIỆN TƯỢNG RỤNG TRÁI NON TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

​Sau khi hoa sầu riêng xả nhụy được 2-3 ngày thì cây sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn rụng trái sinh lý đợt 1, làm ảnh hưởng tới các vị trí mang trái trên cành, cũng như năng suất trên cây. Vì vậy cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và có những biện pháp chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật cho vườn cây.

 I. Nguyên nhân của hiện tượng rụng trái non:

1. Do thiếu các yếu tố dinh dưỡng thiết yếu.

+ Thường là do cây bị thiếu hụt trong giai đoạn hình thành và phát triển hoa. Trong đó, dinh dưỡng B (Boron) đóng vai trò quan trọng nhất, nếu thiếu B làm hoa kém phát triển, sức sống của hạt phấn yếu, mọc mầm chậm, tỷ lệ đậu trái thấp, thiếu B còn làm xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân và cuống hoa, trái do đó trái non dễ bị rụng.

+ Bên cạnh B, nếu bị thiếu Zn (Kẽm) cũng làm cho trái sầu riêng không thể đậu trái được vì Zn có vai trò quan trọng trong việc hình thành chất tăng trưởng auxin.

+ Ngoài ra, Ca (canxi) cũng có vai trò quan trọng trong các hợp chất cấu thành màng tế bào nên có khả năng làm cho hạt phấn khỏe và cuống hoa, trái, dai chắc hơn.

+ Do thiếu các chất điều hòa sinh trưởng: hàm lượng gibberellin xuất hiện thiếu trong cây giai đoạn trái đạt 35-45 ngày tuổi, sẽ gây rụng trái.

2. Do yếu tố thời tiết, chăm sóc chưa đúng cách.

+ Chăm sóc tưới dư nước, gặp mưa trái vụ liên tục hay sương mù...trong giai đoạn trước và sau xả nhụy từ 7-10 ngày. Dẫn tới độ đường nuốm nhụy giảm và cuống trái hình thành tầng rời nhanh hơn.

+ Số lượng trái chưa phù hợp với bộ khung cành và độ tuổi của cây.

3. Do cây ra đọt non lệch pha với trái.

+ Cây ra đọt sau khi đậu trái được 3-15 ngày.

+ Cây ra đọt non sau khi đậu trái được 20-30 ngày.

+ Sự phát triển đọt lá non trong thời kỳ này làm giảm sự đậu trái, tăng hiện tượng rụng trái non bất bình thường cao, do sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa đọt lá và trái non.

4. Do các đối tượng sâu, bệnh gây hại.

+ Các đối tượng sâu gây hại như: rệp sáp, mọt đục cành, nhện đỏ…

+ Các đối tượng bệnh gây hại như cháy lá, xì mũ thân cành…

+ Gây ra rụng trái, ảnh hưởng đến năng suất của vườn.

II. Các giải pháp giúp hạn chế hiện tượng rụng trái non:

1. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây theo từng giai đoạn phát triển của trái:

+ Thời điểm bón phân gốc: sau khi trái non đậu được từ 15-20 ngày tuổi.

+ Bón 0,5-1kg NPK 16-16-16 TE + 0,3-0,5kg Nicabo/cây (đối với trường hợp cây không đi đọt).

+ Bón 0,5-1kg NPK 15-5-20 TE + 0,3-0,5kg trung vi lượng Combi/cây (đối với cây có hiện tượng đi đọt).

+ Với liều lượng phân nêu trên, định kỳ 10-15 ngày sẽ tiến hành bón lại lần tiếp theo.

+ Xịt bổ sung các dòng PBL giàu Ca, B, Zn...có trong các sản phẩm như: Siêu bo kẽm, Natubor, Canxibo...vào giai đoạn trái non, định kỳ 10-15 ngày/lần.

+ Tăng cường cung cấp các chất điều hòa sinh trưởng cần thiết như: NAA nồng độ 20-60ppm sau đậu trái từ 7-10 ngày và phun GA3 nồng độ 5-10ppm lên cuống trái từ 20-30 ngày sau đậu trái.

+ Đối với cây có hiện tượng đi đọt lá non trong giai đoạn này tiến hành phun xịt hỗ trợ hãm đọt, làm già lá nhanh cho cây bằng các sản phẩm như Kali B, MKP (nồng độ 0,5-1%), Nutriphoz PK...(Xử lý liên tục 2-3 lần, với khoảng cách từ 5-7 ngày/lần).

2. Chế độ nước tưới.

Trong giai đoạn trước khi hoa xả nhụy và sau khi trái non đậu được từ 7-10 ngày thì tiến hành giảm lượng nước tưới cho cây xuống 1/3 so với liều lượng bình thường (Trung bình từ 70-100l nước/cây/2-3 ngày tưới một lần). Tưới nước đủ lại bình thường khi trái non đậu được trên 15 ngày tuổi.

3. Điều khiển đọt non ra vào thời điểm phù hợp.

Thúc đọt non ra sau khi cây nhú mắt cua và xử lý bộ lá thành thục trước khi cây xả nhụy.

4. Tỉa trái phù hợp với bộ khung cành và tuổi cây.

+ Lần 1: Trái đạt 20-30 ngày tuổi.

+ Lần 2: Trái đạt 30-40 ngày tuổi.

+ Lần 3: Trái đạt 40-50 ngày tuổi.

5. Chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại kịp thời:

+ Tiến hành phòng trừ các đối tượng sâu gây hại cây sầu riêng giai đoạn trái non như: rệp sáp, nhện đỏ, mọt đục cành...bằng các sản phẩm như Bakari 512 EC, Diệt nhện Ducellone 350 EC...kết hợp các sản phẩm bám dính Neem, Super Absobent...

+ Phòng trừ các đối tượng bệnh gây hại như: cháy lá, xì mũ thân cành...bằng các sản phẩm như Amilan 300SC, EiferGold 215 WP...

+ Xử lý liên tục từ 2-3 lần, khoảng cách từ 5-10 ngày/lần (Nên luân phiên thuốc giữa các đợt xịt).

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại