KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG SƯỢNG CƠM TRÊN TRÁI SẦU RIÊNG NIÊN VỤ 2023
Hiện tại cây sầu riêng khu vực Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính vụ. Trong giai đoạn này người trồng rất trú trọng và quan tâm tới hiện tượng sượng cơm trên trái.
Hiện tượng sượng cơm trên trái sầu riêng có thể ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và giá trị thương phẩm của trái. Vì vậy, cần nắm rõ về hiện tượng này để có các biện pháp chăm sóc kịp thời và hiệu quả nhất cho vườn cây.
1. Nguyên nhân:
a. Rối loạn dinh dưỡng:
- Dinh dưỡng không cân đối (đặc biệt dư đạm) gây ra hiện tượng rối loạn sinh lý trong trái.
- Thiếu B sầu riêng sẽ bị cháy múi và thiếu Ca, Mg sẽ làm cho sầu riêng bị sượng.
- Dư Clo sẽ làm cho cơm trái sầu riêng tích nhiều nước, gây ra hiện tượng sượng trái (chủ yếu là do bón các loại phân hoá học có chứa nhiều Clo như NPK có nguyên liệu từ KCl, phân Kali đỏ …)
b. Cạnh tranh dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển của trái:
- Trái sầu riêng sẽ phát triển phần cơm nhanh trong giai đoạn từ 10 - 12 tuần sau khi đậu. Do đó khi cây ra đọt non trong thời điểm này sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh chất dinh dưỡng giữa sự phát triển của đọt non và cơm trái. Từ đó làm cho cơm trái không đủ dinh dưỡng để phát triển bình thường dẫn đến hiện tượng “sượng”.
- Trên cây sầu riêng có nhiều lứa trái với độ tuổi khác nhau (từ 3 lứa trở lên). Do đó việc bón phân phù hợp nuôi trái gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ lứa trái thu hoạch đầu tiên bị sượng thường khá cao.
c. Quản lý lượng nước chưa hợp lý:
- Tưới dư nước sẽ kích thích sinh trưởng làm cho cây sầu riêng dễ ra đọt non và sẽ gây ra hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng dẫn tới sượng trái.
- Ở Bình Phước, vào giai đoạn trái sầu riêng phát triển cơm mạnh cho đến lúc chín thường có mưa trái mùa hoặc đã bước vào đầu mùa mưa. Điều này làm thúc đẩy cây ra đọt non, trái gần chín sẽ dễ bị nhão.
d. Đặc điểm sinh trưởng của cây:
- Các cây sầu riêng mới thu bói trong những năm đầu dễ bị sượng trái hơn các cây đã vào giai đoạn kinh doanh chính. Nguyên nhân là do cây sinh trưởng mạnh, dễ ra đọt non nên gây ra hiện tượng cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình phát triển trái.
- Trái sầu riêng có kích thước lớn dễ bị sượng hơn những trái nhỏ. Đặc biệt là các cây sầu riêng mang ít trái thì hiện tượng trái lớn quá khổ sẽ nhiều hơn, dễ bị sượng hơn.
2. Biểu hiện của hiện tượng sượng trái:
- Sầu riêng RI 6 hiện tượng sượng chủ yếu là “cháy múi”, phần cơm có màu nâu hay bị biến dạng.
- Sầu riêng Monthong hiện tượng sượng là cơm cứng, mất màu hoặc không mất màu, cơm bị nhão.
- Sầu riêng Sữa Hạt Lép hiện tượng sượng là cơm nhão, mềm, ngoài ra cũng bị cứng cơm, cháy múi.
- Sầu riêng Khổ Qua xanh hiện tượng sượng chủ yếu là nhão cơm, cơm rất mềm.
3. Biện pháp khắc phục:
a. Quản lý nước hợp lý:
- Không để cho cây sầu riêng hấp thụ nước quá nhiều trong giai đoạn trái trưởng thành và nên giảm 30%-50% lượng nước tưới cho cây trước khi thu hoạch từ 20-25 ngày.
- Đối với các vườn trồng trên líp thì nên rút nước dưới mương xuống dưới 80cm so với mặt líp trước khi thu hoạch từ 20-25 ngày.
- Trước khi thu hoạch giảm dần lượng nước tưới cắt hẳn 10 ngày trước khi thu hoạch.
b. Hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng với trái:
- Điều khiển đọt non ra trên cây phù hợp với quá trình phát triển của trái (ra đọt khi nhú mắt cua, thành thục khi hoa xả nhụy. Ra đọt khi trái hết rụng sinh lý, TB từ 50-60 ngày sau đậu trái, xử lý làm già đọt nhanh, lá nhỏ...)
- Chủ động hãm đọt trong giai đoạn phát triển trái (Trung bình từ 15-20 ngày/lần, đặc biệt đối với giống sầu riêng Monthong) bằng sử dụng các sản phẩm như ABU siêu chặn đọt liều lượng 500ml pha 400L nước hoặc Nitrat Kali (KNO3) với liều lượng 10-15 g/1 lít nước... phun đều lên hai mặt lá. Trường hợp nếu đọt lá nhú le le 1-2cm tiến hành xử lý liên tục 2-3 lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày (Không xử lý giữa các lần quá gần, dễ gây hiện tượng ngộ độc thuốc).
- Bón phân cân đối, không nên bón dư đặc biệt là phân đạm, vì sẽ làm thúc đẩy đọt non phát triển khi trái đang làm cơm.
- Xử lý hoa ra đồng loạt. Trên cây chỉ đề tối đa 2 lứa trái, giúp việc chăm sóc đạt hiệu quả cao nhất.
- Cắt bỏ toàn bộ hoa hoặc trái non ra đợt hai nếu tỉ lệ ra hoa, đậu trái ở đợt đầu đạt yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra nên cắt bỏ các hoa ra sau khi trái đã lớn.
c. Cung cấp dinh dưỡng hợp lý:
- Không nên dùng các loại phân bón gốc có chứa thành phần Clo trong giai đoạn trái phát triển mạnh cho đến chín.
- Cây sầu riêng cần nhiều kali trắng (KNO3, K2SO4...), đặc biệt là giai đoạn trái vào cơm và chín. Bón đủ kali sẽ làm cho cơm có màu vàng đậm, vị ngọt hơn và hạn chế sượng.Các sản phẩm với công thức như NPK 15-5-20 TE, 14-12-15 TE...(Kali trắng) với liều lượng từ 0,8-1kg/cây/10-15 ngày bón/lần.
- Bổ sung các thành phần trung vi lượng quan trọng có khả năng hạn chế cháy múi cứng cơm như Ca, Mg và Bo bằng cách phun phân bón lá có chứa Bo giai đoạn 15 - 20 ngày sau khi đậu trái. Hoặc bón gốc với các sản phẩm như Trung Vi lượng Combi, Anomix...với liều lượng từ 0,3-0,5kg/cây/20-25 ngày/lần.
- Phun Ca(NO3)2 nồng độ 0,2% giai đoạn 2 tháng sau khi đậu trái (luân phiên sản phẩm Mg(SO4) nồng độ 0,2%, cách nhau giữa các đợt xịt từ 10-20 ngày).
- Phun KNO3, Kali B... nồng độ 1% giai đoạn trước khi thu hoạch từ 20-25 ngày. Xử lý liên tục 2 lần cách nhau 7 ngày/lần.
d. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
- Thu hoạch trái đúng độ chín, 115 -120 ngày sau khi đậu trái đối với sầu riêng Monthong, 105 - 110 ngày đối với sầu riêng Sữa Hạt Lép, 100 - 105 ngày đối với sầu riêng Ri6.
- Nhúng trái nhanh vào dung dịch ethephon ở nồng độ 0,2% để kích thích trái chín đều, giảm hiện tượng sượng “dăm”.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.