Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Huyện Bù Đốp và một số vấn đề cần quan tâm
Huyện Bù Đốp (Bình Phước) có tài nguyên đất, nước, và thời tiết khí hậu phong phú, thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau như cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực và các loại rau màu… Chính vì vậy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng hàng năm ở đây diễn ra khá mạnh mẽ….Tuy nhiên sự chuyển đổi này phần đa mang tính chất tự phát, không theo quy hoạch mà chủ yếu chạy theo giá cả thị trường ở một thời điểm nhất định. Nông dân không đủ nguồn thông tin để phân tích và nhận định mà chủ yếu theo phong trào. Chính vì vậy có nhiều hộ nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, song cũng không ít hộ dân mất nhiều công sức và tiền của nhưng kết quả lại không như mong muốn. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào là công việc mà cơ quan chức năng, các hộ dân cần phải tính toán để sau khi chuyển đổi sẽ đạt được kết quả cao hơn.
(Bu Dop District – Binh phuoc Province is a place favoured by temperate climate and rich in natural resources, e.g soil, water. This area is also suitable for a variety of different crop plants such as short-day crops, long-day crops, agricultural plants and many kinds of subsidiary crops. Therefore, the transfer of crop structure here takes place rather largely and quickly every year. However, this change mostly results from spontaneity of local people, and is determined by almost prices in the market at certain time. Farmers lack information to analyse and consider what they can or can’t get. As a result, while many households become richer and richer due to this transfer, it costs lots of families money and effort without having any benefit. Helping local people with determining the transfer of crop is the local authorities’ responsibility. Besides, farmers need to consider carefully so that this transfer can produce higher results.)
DIỆN TÍCH NHIỀU CÂY CÔNG NGHIỆP GIẢM MẠNH
Từ đầu năm đến nay giá hồ tiêu liên tục tăng cao, do vậy nhiều người dân đã đổ xô trồng tiêu với mục đích tăng lợi nhuận kinh tế, do đó diện tích hồ tiêu được trồng mới là 382 ha (tăng 16 %). Theo phòng Nông Nghiệp PTNT huyện Bù Đốp, diện tích hồ tiêu tăng thì nhiều diện tích cây công nghiệp khác đã giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2014, diện tích cây điều giảm 197 ha (giảm 7,8%); diện tích cao su giảm 135 ha (giảm 1,25%); diện tích cây cà phê giảm 34 ha (3,77%); diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày khác giảm 14,4ha (1,93%).
Anh Nguyễn Văn Bằng, nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng hồ tiêu ở Sóc Nê xã Tân Tiến cho biết: Để trồng 1.000 nọc tiêu, chi phí khoảng 150 triệu đồng, sau thời gian trên 3 năm chăm sóc mới đến thời kỳ thu hoạch. Năm 2104 anh Bằng đã chặt bỏ 9 sào cao su 6 năm tuổi để xuống giống trồng mới 2.000 nọc tiêu với kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng. Ngoài diện tích trồng mới, anh Bằng còn có trên 3.000 nọc tiêu. Năm 2013, anh thu hơn 1 tỷ đồng từ hồ tiêu. Theo tính toán của người dân, hiện mỗi héc-ta tiêu cho thu hoạch đạt lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm. Với điều, cao su và một số cây trồng lâu năm khác nếu được mùa, được giá cũng chỉ lãi 60-80 triệu đồng/ha, còn mất mùa kèm thêm mất giá như niên vụ 2013 thì chỉ hòa vốn. Do vậy việc hàng trăm hecta cây công nghiệp khác bị chuyển đổi là lẻ đương nhiên.
Theo các nhà khoa học việc giá hồ tiêu liên tục tăng cao làm cho người nông dân chuyển đổi ồ ạt theo hướng độc canh có thể sẽ mang tới những hệ lụy không nhỏ đó là cho tới một lúc nào đó cung sẽ vượt cầu làm cho giá sụt giảm, không tạo được các cây trông cách ly sẽ làm cho dịch bệnh phát triển mạnh hơn, thiếu nước tưới trong những năm khô hạn sẽ làm cho hồ tiêu chết hàng loạt… chính vì vậy đa canh sẽ mang lại yếu tố bền vững cho người nông dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường là yếu tố cần thiết nhằm tăng lợi ích cho người nông dân. Tuy nhiên một số hộ dân chưa có đủ kỹ thuật và kinh nghiệm để canh tác loại cây trồng mới sau khi chuyển đổi đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc dẫn đến việc chuyển đổi không những không mang lại hiệu quả mà còn giảm thu nhập so với cây trồng cũ.
CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG – CẦN ĐỊNH HƯỚNG RÕ
Theo các nhà khoa học, cơ cấu cây trồng lệ thuộc rất lớn, nghiêm ngặt vào điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội. Việc duy trì thay đổi cơ cấu không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện để đạt tăng trưởng và phát triển sản xuất. Cơ cấu cây trồng còn là tiền đề bố trí chế độ luân canh cây trồng, thay đổi theo những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giải quyết vấn đề mà thực tiễn sản xuất đòi hỏi và cũng đặt ra cho kỹ thuật trồng trọt những đòi hỏi cần thiết. Cơ cấu cây trồng hợp lý là một biện pháp kinh tế - kỹ thuật tổng hợp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Quá trình công nghiệp hoá đất nước vừa đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cung cấp ngày càng nhiều lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho chế biến sản phẩm và lao động công nghiệp phát triển theo cơ chế thị trường. Với những thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật nông nghiệp (giống cây trồng, kỹ thuật canh tác…) các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất đã chuyển dần sang tập trung sản xuất những cây trồng thích nghi với điều kiện sinh thái của mình và có lợi thế so sánh hơn các vùng khác trên thị trường, hình thành những cơ cấu cây trồng ngày càng đạt hiệu quả cao. Nhiều vùng sinh thái nông nghiệp có những tài nguyên tiềm ẩn to lớn. Dưới tác động của khoa học kỹ thuật cải tiến cơ cấu cây trồng hợp lý đã thay đổi nhanh chóng những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên môn hoá và hàng hoá mới. Đã sử dụng một cách hợp lý và khoa học các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kinh tế- xã hội, gắn hiệu quả trước mắt với hiệu quả lâu dài, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường sống, và cải tạo môi trường sinh thái.
Như vậy định hướng cơ cấu cây trồng hợp lý cho người nông dân là sự định hình về mặt tổ chức cây trồng trên đồng ruộng bao gồm cây trồng, vị trí cây trồng và tỷ lệ diện tích từng loại cây trồng cùng với mối quan hệ hữu cơ giữa các loại cây trồng với nhau, có tính chất xác định lẫn nhau giữa cơ cấu để tạo thành hệ thống cây trồng cùng nhóm.
Cải tiến cơ cấu cây trồng hợp lý có vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng giá trị tổng sản phẩm, tăng giá trị hàng hoá, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững, xác định cơ cấu cây trồng hợp lý là một trong những cơ sở cho việc xác định phương hướng sản xuất.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nghiên cứu cải tiến cơ cấu cây trồng xác định được các cơ hội cho sự đa dạng hoá trong hầu hết các hệ phụ của hệ thống nông nghiệp. Sự đa dạng hoá cây trồng và tăng trưởng theo các mục tiêu cụ thể sẽ tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế trong tương lai.
Về mặt diện tích cơ cấu cây trồng là tỷ lệ các loại cây trồng trên diện tích canh tác, tỷ lệ này phần nào nói lên trình độ sản xuất của từng vùng. Tỷ lệ cây lương thực cao, tỷ lệ cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm thấp phản ánh trình độ phát triển sản xuất thấp. Tỷ lệ các loại cây trồng có sản phẩm tiêu thụ tại chỗ cao, các loại cây có giá trị hàng hoá và xuất khẩu thấp chứng tỏ sản xuất nông nghiệp ở đó kém phát triển và ngược lại.
Nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu cải tiến cơ cấu cây trồng và tìm ra các biện pháp kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản bằng cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào hệ thống cây trồng hiện trạng, hoặc đưa ra những hệ thống cây trồng mới. Hướng vào các hợp phần tự nhiên, sinh học, kỹ thuật, lao động, quản lý, thị trường để phát triển cơ cấu
Cơ cấu cây trồng phụ thuộc vào nhiều nhân tố: Khí hậu, đất đai, nước tưới tiêu, giống cây trồng và các biện pháp kỹ thuật canh tác, khả năng cải tạo đất và thị trường, kinh tế hộ nông dân.
Thời gian qua ngành nông nghiệp huyện Bù Đốp (Bình Phước) đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như đầu tư cây giống cho nông dân, tu bổ nâng cấp và xây dụng mới hệ thống kênh mương thủy lợi nhằm thâm canh tăng vụ, đầu tư tập huấn kiến thức về cây trồng cho nâng dân, thực hiện các mô hình trình diễn như trồng cây khổ qua, đậu tương, ngô lai… trên đất lúa vụ đông, trồng cây quýt đường…việc đầu tư cho công tác chuyển đổi này bước đầu đã thu được một số kết quả như: hầu hết nông dân (đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số) đã thay đổi cơ cấu giống lúa bằng các giống xác nhận hoặc lúa lai thay cho các giống địa phương có năng suất thấp, nông dân đã nắm băt tốt hơn các kiến thức về chăm sóc cây trồng…, năm 2013 năng suất bình quân đối với cây lúa nước đạt 3,1 tấn/ha tăng 106% so với năm 2010.
Huyện Bù Đốp có hơn gần 2000ha đất lúa nước, chỉ sản xuất từ 1 đến 2 vụ, trong đó diện tích gieo trồng cả năm là 2.227ha (vụ Đông xuân là 1.908ha và vụ hè thu là 319ha) diện tích trên có thể sản xuất các cây vụ đông như ngô lai, rau màu và đậu đỗ các loại… tuy nhiên hầu hết diện tích này đang được bỏ trống do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm gây lãng phí tài nguyên đất, nếu được khai thác tốt có thể tăng diện tích gieo trồng hàng năm lên 500 đến 700ha, giải quyết vấn đề việc làm cho hàng trăm lao động và có thể tăng thu nhập cho nông dân trên đại bàn thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tóm lại cơ cấu cây trồng chịu tác động của nhiều yếu tố (tự nhiên-kinh tế-xã hội). Các yếu tố đó không tác động riêng lẻ, biệt lập mà luôn có sự đan xen tác động với cây trồng. Để có một cơ cấu cây trồng hợp lý cho một vùng địa lý nhất định chúng ta cần phải đầu tư nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội và sự tác động tương hỗ để có giải pháp thích hợp cho từng vùng, ngoài ra việc chuyển đổi đúng theo từng vùng quy hoạch và tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước khi có rui ro xãy ra trong vùng quy hoạch (mất mùa, dịch bệnh, nông sản rớt giá…) nhằm ổn định sản xuất cho bà con nông dân, hạn chế sự chuyển đổi tự phát của nông dân khi không đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Tăng cường nghiên cứu và phát triển các bộ giống mới, có năng suất, chất lượng cao để chuyển đổi thay thế dân các giống cũ; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật thích hợp nhằm tác động tích cực đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng nhằm nâng cao kinh tê hộ gia đinh, giải quyết vấn đề việc làm tại chỗ của địa phương, tạo giá trị thặng dư cho xã hội. sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tiến Sĩ Nguyễn Văn Bắc