BIỆN PHÁP QUẢN LÝ BỆNH NỨT THÂN XÌ MỦ TRÊN CÂY SẦU RIÊNG
Trong nhiều năm liền, cây cầu riêng luôn được xem là một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và ổn định. Tuy nhiên quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại đối với loại cây này gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nứt thân xì mủ là một trong những loại bệnh hại nguy hiểm và khó quản lý đối với nhà vườn.
1. Nguyên nhân gây hại
Bệnh do nấm Phytophthora sp gây ra. Cây sầu riêng có khả năng nhiễm bệnh này khi mắc phải một trong các lỗi canh tác sau:
- Xử lý đất trước khi trồng chưa đảm bảo.
- Sử dụng phân chuồng chưa hoai mục và sử dụng thảm phủ sai kỹ thuật.
- Cắt tỉa cành sai kỹ thuật, để tán rậm rạp.
- Bón phân không cân đối, đặc biệt là dư đạm và thiếu các chất trung, vi lượng.
- Trồng mật độ dày, trồng âm.
- Tưới tiêu nước chưa hợp lý.
* Khi mật độ nấm Phytophthora sp dưới vùng gốc rễ tăng cao nếu gặp điều kiện nhiệt độ thấp, ẩm độ cao và canh tác không hợp lý thì bệnh nứt thân xì mủ sẽ dễ bùng phát.
2. Triệu chứng gây hại
- Trên thân cành sầu riêng, khi mới nhiễm bệnh phần vỏ xung quanh vết bệnh sẽ biến màu và có hiện tượng sũng nước (dễ nhìn thấy vào buổi sáng).
- Khi bệnh nặng phần vỏ và gỗ sẽ chuyển sang màu nâu đậm hoặc thâm đen. Có nhựa cây chảy ra, có mùi hôi.
- Vết bệnh lan rộng dần theo chiều ngang và dọc làm cây sinh trưởng, phát triển kém sau đó sẽ bị chết.
3. Biện pháp phòng trừ
a) Biện pháp canh tác:
- Phải vệ sinh, phơi đất trước khi chuyển đổi qua trồng cây sầu riêng.
- Bón phân cân đối, tránh thừa đạm và nên chú ý bổ sung đầy đủ trung, vi lượng cho cây.
- Ủ hoai phân chuồng trước khi bón bằng chế phẩm Trichoderma.
- Trồng cây với mật độ thích hợp và lựa chọn giống sạch bệnh.
- Không trồng âm và vườn cần phải có hệ thống thoát nước tốt.
- Vùng quanh gốc cần để thông thoáng, tránh tủ kín vùng cổ rễ.
- Không tưới nước trực tiếp vào thân cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ tưới nước vùng đất quanh tán cây để giữ cho gốc cây luôn được khô ráo.
- Cắt tỉa những cành sát đất, cành sâu bệnh để vườn được thông thoáng. Tuy nhiên cần cắt tỉa trong điều kiện thời tiết khô ráo và phải bôi keo liền cây vào vết thương mới cắt.
- Bón vôi định kỳ 2-3 lần/năm, vừa giúp sát khuẩn nấm vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ Canxi cho cây.
b) Biện pháp sinh học:
- Tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh (Trichomix-CTĐ, Trimix-N1, …) để duy trì cho đất tơi xốp và cung cấp thêm các vi sinh vật đối kháng nấm bệnh.
- Định kỳ 1-2 tháng/lần nên bổ sung các loại chế phẩm sinh học có khả năng đối kháng tốt với nấm Phytophthora sp. như Tricho-Nema, Trichoderma, …
c) Biện pháp hóa học:
- Vào đầu mùa mưa, cuối mùa mưa hoặc khi rửa vườn sau thu hoạch cần tiến hành phun xịt toàn bộ cây sầu riêng để phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc như: Rubercare, Vaba Super, EiffelGold...
- Khi bệnh xuất hiện, dùng dao cạo hết phần vỏ và gỗ bị nhiễm bệnh (phần biến màu), rồi dùng SprayPhos hoặc Copforce Blue pha đặc quét lên chỗ vừa cạo, xử lý liên tục 2-3 lần, cách nhau 10 ngày, đồng thời nên kết hợp phun thuốc nấm toàn cây và gốc.
* Lưu ý:
- Sau khi tiến hành các biện pháp hóa học 10 ngày cần thực hiện các biện pháp sinh học để ngăn ngừa bệnh tái phát và nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
- Kiểm tra vườn thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian có không khí lạnh, mưa liên tục hoặc có sương để phát hiện và xử lý bệnh kịp thời.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.
Ks. Đỗ Hữu Đức