BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ NHỆN ĐỎ GÂY HẠI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG NIÊN VỤ 2022-2023

Với giá trị kinh tế cao trong những năm gần đây, cây sầu riêng được bà con quan tâm lựa chọn nhiều để canh tác. Tuy nhiên cây sầu riêng cũng là một loại cây trồng bị nhiều loại sâu bệnh tấn công. Trong đó, nhện đỏ là một đối tượng gây hại nguy hiểm, cần phải tiến hành phòng trừ sớm và kịp thời.

1. Đặc điểm nhện đỏ:

- Vòng đời của nhện đỏ gây hại trên cây sầu riêng khoảng 15-30 ngày, bao gồm 5 giai đoạn: trứng, ấu trùng, hai giai đoạn nhộng trần và giai đoạn trưởng thành.

- Trứng nhện đỏ rất nhỏ, kích thước 0.1-0.14mm, hình cầu hoặc hình củ hành, bóng láng và nở sau 3 - 5 ngày. Trứng chuyển từ trong suốt sang màu kem trước khi nở.

- Ấu trùng có 3 đôi chân, thân hình màu hơi trắng và chỉ lớn hơn một chút so với kích thước của trứng nên rất khó quan sát bằng mắt thường. Ở giai đoạn này chúng thường tập trung ở gần các gân lá.

- Sau 2-5 ngày ấu trùng nhện đỏ sẽ lột xác thành nhộng trần I, chúng phát triển thêm một đôi chân, có màu trắng hay xanh lá và bắt đầu tạo ra tơ.

- Từ nhộng trần I, sau 1-2 ngày nhện đỏ sẽ lột xác ở mặt dưới của lá để trở thành nhộng trần II. Ở giai đoạn này con đực có thể được phân biệt với con cái bằng kích thước nhỏ hơn và phần bụng nhọn hơn.

- Nhện đỏ trưởng thành có kích thước rất nhỏ (khoảng 0,18 - 0,35mm), màu vàng nhạt, màu cam hay đỏ sậm, trên cơ thể có phủ lông lưa thưa, kích thước của con nhện đực nhỏ hơn con cái.

 2. Điều kiện phát triển:

- Trên cây sầu riêng nhện đỏ sinh sản và phát triển quanh năm, nhưng chúng thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng và độ ẩm thấp.

- Thông thường vào mùa khô, thời tiết thường nắng nóng và khô hạn. Đây chính là thời điểm thích hợp để số lượng nhện đỏ tăng lên nhanh chóng và có thể bùng dịch do vòng đời của chúng ngắn, kết hợp với khả năng sinh sản rất cao. Một nhện cái có thể đẻ từ 20-50 trứng trong vòng 2-3 ngày.

- Nhện đỏ đẻ trứng rải rác trên cả hai mặt lá sầu riêng và đôi khi đẻ cả trên bề mặt trái.

3. Biểu hiện gây hại:

 

- Ấu trùng, nhộng trần và con trưởng thành của nhện đỏ đều gây hại cho cây sầu riêng. Chúng cạp bề mặt lá và hút các tế bào chất bên trong, làm hỏng các trung bì và lục lạp của lá, tạo nên các vết chích nhỏ li ti.

- Vết chích của nhện đỏ ban đầu màu trắng nhạt, sau chuyển sang màu vàng nhạt, khi mật độ nhện cao tạo nên nhiều vết chích, các vết chích liên kết lại thành mảng lớn. Khi bị nhẹ lá sẽ chuyển sang vàng, phồng rộp, cằn lại, khô cứng và rụng. Còn khi bị hại nặng lá có màu trắng bạc, dễ bị rụng, cây còi cọc, sinh trưởng kém.

- Trên cây sầu riêng, nhện đỏ gây hại trên cả hai bề mặt của lá và không làm xoắn lá như khi gây hại trên cây có múi.

- Trong một số trường hợp khi mà mật số nhện đỏ quá cao, chúng sẽ tấn công cả cành non, hoa và trái.

- Nhện đỏ gây hại có thể khiến cành non chết khô, hoa bị thui rụng và trái sầu riêng bị vàng, sạm, dễ nứt.

- Nhện chích hút còn là nhân tố truyền virus gây bệnh cho cây sầu riêng.

- Nhện đỏ sinh sản rất nhanh, các thế hệ chồng chéo lên nhau nên chúng có khả năng kháng thuốc trừ sâu hóa học rất cao, làm bùng phát dịch và gây hại nghiêm trọng cho cây sầu riêng nếu không được quản lý một cách bền vững.

4. Biện pháp phòng trừ:

 a. Biện pháp canh tác:

- Tỉa cành tạo tán sau khi thu hoạch để vườn thông thoáng.

- Trồng sầu riêng với mật độ thích hợp (7x8, 8x8, 10x10...)

- Cần thúc cho sầu riêng ra đọt tập trung để thuận tiện cho việc quản lý.

- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời, đặc biệt là giai đoạn lá bánh tẻ trở đi, để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ hợp lý.

- Sau khi cắt tỉa cành sầu riêng cần tiêu huỷ ngay, tránh mang đi khắp vườn sẽ khiến nhện đỏ lây lan diện rộng.

b. Biện pháp sinh học:

- Thường xuyên sử dụng tinh dầu Neem để kiểm soát nhện đỏ hiệu quả.

- Tăng cường sử dụng các loại men vi sinh có khả năng quản lý nhện đỏ như Tricho-BT, BT Met, Tricho-Meta….

- Phát triển việc trồng các cây thảo dược như lưu ly, sao nhái, xuyến chi, cúc mặt trời… xung quanh vườn để dẫn dụ thiên địch.

- Thúc đẩy và bảo vệ sự phát triển của các loài thiên địch trong vườn như bọ rùa, bọ cánh găng, bọ trĩ bắt mồi...

c. Biện pháp hóa học:

- Vào mùa nắng nóng và hanh khô cần phun thuốc phòng nhện đỏ 3 lần. Lần 1 khi vừa nhú đọt le le, lần 2 khi đọt ra rộ (lá mở) và lần 3 khi lá lụa bằng các loại thuốc như: Dầu Khoáng SH, Neem-chito, …

- Khi phát hiện có nhện đỏ gây hại trên cây cần tiến hành xử lý ngay bằng các sản phẩm như: Diệt nhện Sampider 500WP, Diệt nhện Bacca 80WG, Diệt nhện Calicydan 150EW, Diệt nhện Ducellone 350EC,… kết hợp với Bám dính Neem, chất loang trải Super Absobent... để tăng khả năng thấm sâu và lưu dẫn hai chiều. Xử lý liên tục từ 2-3 lần, cách nhau 4-5 ngày/lần.

5. Lưu ý:

 - Pha thuốc theo đúng liều lượng khuyến cáo, phun sương phủ đều đẫm toàn cây, đặc biệt hai mặt lá, hoa và trái. Nên phun vào thời điểm thời tiết mát mẻ, tránh phun khi nắng gắt.

- Nhện đỏ là đối tượng rất nhanh kháng thuốc nên cần thay đổi gốc thuốc giữa các lần và đợt sử dụng.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại