PHÒNG TRỪ HIỆU QUẢ BỆNH ĐỐM RONG GÂY HẠI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Bệnh đốm rong là bệnh dễ phát sinh, phát triển gây hại trên cây sầu riêng. Bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp, tạo ra các vết thương trên thân, cành. Bệnh nặng có thể làm khô cành rụng lá, ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng của cây sầu riêng. Do đó cần phải có biện pháp phòng trừ và xử lý kịp thời.

  1. Nguyên nhân:
    Do tảo Cephaleuros virescens gây ra.
  2. Điều kiện phát sinh bệnh:
    - Bệnh thường xuất hiện trong điều kiện ẩm độ cao, vườn trồng mật độ dày, rậm rạp, có nhiều cỏ dại.
    - Cây bị suy yếu, sức đề kháng kém.
    - Đặc biệt xuất hiện nhiều ở giai đoạn trước và sau khi thu hoạch do cây đang suy yếu sau thời gian mang trái.
  3. Triệu chứng
  • Biểu hiện trên lá:

Vết bệnh là những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh cũ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại tử và cả sợi tảo mọc xuyên qua, có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành.

  • Biểu hiện trên thân, cành:

 Bệnh thường gây hại trên những cành sương cá hoặc có thể lên thân. Vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ màu xanh xám hoặc nâu đỏ như sắt rỉ hoặc màu vàng cam. Vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mảng. Bệnh nặng lan dần lên các nhánh trên, đôi khi lan lên cả trái.

  1. Biện pháp phòng trừ:
  • Biện pháp canh tác:
  • Trồng mật độ thích hợp, cắt tỉa cành nhánh và kiểm soát cỏ thường xuyên. Cắt tỉa cành trong điều kiện thời tiết khô ráo.
  • Tưới nước đầy đủ, chỉ tưới vùng đất quanh tán cây để giữ cho gốc cây luôn được khô ráo.
  • Bón phân cân đối giữa hữu cơ và vô cơ, tránh bón thừa đạm và nên chú ý bổ sung đầy đủ trung, vi lượng cho cây.
  • Bón vôi định kỳ 2-3 lần/năm, giúp sát khuẩn nấm vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ Canxi cho cây.
  • Không trồng âm và vườn cần phải có hệ thống thoát nước tốt.
  • Biện pháp sinh học:

- Tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh (Trichomix-CTĐ, Trimix-N1, …) để duy trì cho đất tơi xốp và cung cấp thêm các vi sinh vật đối kháng nấm bệnh.

- Định kỳ 1-2 tháng/lần nên bổ sung các loại chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma cho vườn cây.

  • Biện pháp hóa học:

- Vào đầu mùa mưa, cuối mùa mưa hoặc khi rửa vườn sau thu hoạch cần tiến hành phun xịt toàn bộ cây sầu riêng để phòng trừ bệnh bằng các sản phẩm như: Nano Đồng, Poly super, Sumagrow,…

- Khi cây có dấu hiệu bệnh thì phun thuốc trị: Copforce Blue, Dosay, Đồng Đỏ NL…Xử lý 2-3 lần liên tục, cách nhau 7 ngày.

 Lưu ý:

- Sau khi tiến hành các biện pháp hóa học 10 ngày cần thực hiện các biện pháp sinh học để ngăn ngừa bệnh tái phát và nâng cao hiệu quả phòng bệnh.

- Kiểm tra vườn thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian có không khí lạnh, mưa liên tục hoặc có sương để phát hiện và xử lý bệnh kịp thời.

Chi tiết cần tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ Thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất. Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại