NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG RỤNG HOA VÀ TRÁI NON TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Sầu riêng là loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế rất cao. Trong những năm gần đây diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh. Tuy nhiên trong quá trình canh tác người trồng sầu riêng thường hay gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề rụng hoa và trái non đã ảnh hưởng rất lớn tới năng suất.

Để khắc phục hiện tượng rụng hoa và trái non trên cây sầu riêng thì cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng những giải pháp xử lý kịp thời.

  1. Tìm hiểu về rụng trái non

- Sau khi cây sầu riêng xổ nhụy từ 2-3 ngày thường có hiện tượng hoa và trái non rụng hàng loạt, đây còn gọi là rụng sinh lý (rụng trái non lần 1).

- Trong khoảng thời gian từ 15-30 ngày sau đậu trái (trái bằng quả trứng gà) sầu riêng sẽ rụng trái non lần 2 (hay gọi là rụng so trái).

- Tỉ lệ rụng trái sẽ giảm dần và ổn định sau khi xổ nhuỵ 40 ngày.

  1. Nguyên nhân của hiện tượng rụng trái non

a. Do thiếu các dinh dưỡng thiết yếu

- Thường là do cây bị thiếu các dinh dưỡng thiết yếu trong giai đoạn hình thành và phát triển hoa. Trong đó, dinh dưỡng B (Boron) đóng vai trò quan trọng nhất, nếu thiếu B làm hoa kém phát triển, sức sống của hạt phấn yếu, mọc mầm chậm, tỷ lệ đậu quả thấp, thiếu B còn làm xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân và cuống hoa, trái nên trái non dễ bị rụng.

- Bên cạnh B, nếu bị thiếu Zn (Kẽm) cũng làm cho trái sầu riêng không thể đậu trái được vì Zn có vai trò quan trọng trong việc hình thành chất tăng trưởng auxin.

- Ngoài ra, Ca (canxi) cũng có vai trò quan trọng trong các hợp chất cấu thành màng tế bào nên có khả năng làm cho hạt phấn khỏe và cuống hoa, trái, dai chắc hơn.

b. Do thừa nước trong quá trình nở hoa.

- Hạt phấn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thụ tinh khi kết hợp với nuốm nhụy để tạo quả, chúng sẽ nảy mầm tốt khi nuốm nhụy có độ đường từ 20-35%, nếu có mưa hay sương mù làm nồng độ đường trên nuốm giảm còn 10%, tỉ lệ nẩy mầm của hạt phấn chỉ đạt 10%.

- Chính vì vậy ở các vùng trồng sầu riêng lấy trái vụ nghịch hoặc những vùng trồng lấy trái vụ thuận hay có mưa trái mùa hoặc sương đêm thì hiện tượng sầu riêng ra hoa nhiều mà đậu trái ít thường hay gặp phải.

c. Do cây ra đọt lệch pha với ra hoa.

- Khi hoa nở thì lá non cũng đã phát triển thành thục, chính đợt đọt này sẽ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng giúp cho trái sầu riêng phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu cây ra đọt non trước hoặc sau giai đoạn đậu trái 15 ngày sẽ làm giảm tỷ lệ đậu trái, tăng rụng trái non ở giai đoạn so trái.

- Đây cũng là vấn đề rất khó khăn trong canh tác cây sầu riêng, hầu hết nông dân khi tiến hành xử lý ra hoa đều đặt mục tiêu là làm sao cho cây ra hoa với mọi biện pháp, nên sau đó thì không điều khiển được cây ra đọt.

d. Do thiếu các chất điều hòa sinh trưởng

- Thường thì cây sầu riêng dễ bị thiếu các chất điều hoà sinh trưởng trong quá trình hình thành và phát triển trái.

- Hàm lượng gibberellin trong hột sầu riêng thấp nhất ở giai đoạn 6 tuần sau khi đậu trái cho nên hiện tượng rụng so trái sẽ xuất hiện.

  1. Các giải pháp hạn chế rụng trái non

- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, nhất là các chất như B, Zn, Ca... trong giai đoạn xử lý ra hoa, nuôi hoa bằng các loại phân giàu trung vi lượng như bón lá (Combi Plus, Siêu Bo Kẽm, …) và các loại phân tưới gốc, bón gốc (xô vi lượng THT, Anomix, Vi lượng Combi,…).

- Khoảng một tuần trước khi hoa nở cần phải giảm lượng nước tưới bình thường xuống mức 20 – 25% so với lượng nước bốc hơi hàng ngày. Đến khi đậu trái xong thì tưới nước tăng dần lên đến mức 60 – 70% so với lượng nước bốc hơi hàng ngày (đo bằng dụng cụ đo bốc hơi). Sau đậu trái 6 tuần thì tưới nước bình thường trở lại.

- Khi cây sầu riêng vừa nhú mầm hoa tìm cách thúc đẩy ra đọt để cùng lúc với ra hoa bằng việc tưới nước và bón phân NPK với lượng N cao (NPK 19-16-8, NPK 20-10-10, NPK 30-10-10), kết hợp bón NicaBo và xịt lá có khả năng kéo đọt tốt (Siêu Bo Kẽm, 31-11-11, Rong biển,…). Ngược lại nếu không cho ra đọt hoặc khống chế đọt ra lệch pha thì phun ức chế đọt bằng MKP luân phiên với Mekongvil + Nutrimax.

- Tăng cường cung cấp các chất điều hòa sinh trưởng cần thiết như NAA 20-60ppm sau đậu trái 1 tuần và phun GA3 5-10ppm lên cuống trái từ 3-6 tuần sau đậu trái.

- Tăng cường phân hữu cơ vi sinh (Trimix-N1, Trichomix-CTĐ, …) để giữ ẩm cho đất, tái tạo rễ mới nhằm tránh hiện tượng cháy lá trong mùa nắng, ảnh hưởng đến cạnh tranh dinh dưỡng làm rụng trái.

- Phòng ngừa sâu rầy hại hoa và trái non bằng các loại thuốc như Chesone, Redsuper, … kết hợp các loại thuốc phòng ngừa nấm bệnh như EiffeGold, GrandGold, …

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059

< Trở lại