BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ SÂU ĐỤC TRÁI SẦU RIÊNG
Ở Bình Phước hiện nay sầu riêng đã và đang được bà con nông dân lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi mà nhiều loại cây trồng truyền thống của địa phương đem lại hiệu quả chưa cao.
Tuy nhiên trong quá trình canh tác cây sầu riêng bà con nông dân thường hay gặp phải rất nhiều loại sâu bệnh hại tấn công. Trong đó sâu đục trái được đánh giá là một loại sâu hại nguy hiểm, có thể gây ra tổn thất lớn tới năng suất và chất lượng trái nếu như không được phòng trừ hợp lý.
- Đặc điểm hình thái:
+ Trứng sâu đục trái sầu riêng hình bầu dục, có chiều dài từ 2 – 2,5mm.
+ Sâu non mới nở có màu nâu nhạt, chiều dài từ 6 – 8mm, sau khi lớn dần thì màu sẽ chuyển sang màu nâu đậm và hóa nhộng sau 8 ngày.
+ Nhộng dài khoảng 10 – 22mm, có màu tím hoặc hồng, đầu màu nâu đen.
+ Thành trùng là loài ngài có thân dài khoảng 6cm, có màu nâu. Cánh thành trùng có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Chúng hoạt động mạnh nhất là vào ban đêm.
- Đặc điểm gây hại:
+ Sâu đục trái đẻ trứng gần cuống các trái non, sâu non ngay sau khi nở sẽ đục vỏ trái để chui vào bên trong ăn phần thịt trái, đặc biệt là phần hột và thịt trái quanh hột. Đường đục sẽ là nơi cho chúng hóa nhộng và chui ra ngoài nhả tơ kết kén ngay bề mặt gai.
+ Trái sầu riêng thường mọc thành chùm nên ngay phần tiếp giáp giữa trái này với trái kia thường hay bị sâu đục trái tấn công, nếu trái còn non mà đã bị gây hại sẽ rụng.
+ Các vết đục của sâu đục trái là điều kiện thuận lợi của các loại vi khuẩn và nấm tấn công, gây ra bệnh thối trái, thán thư, …
- Biện pháp phòng trừ:
Sâu đục trái sầu riêng là loài sâu hại nguy hiểm và khó phòng trừ vì thường chỉ phát hiện ra chúng khi trái đã bị tấn công vào bên trong. Do đó cần tiến hành sớm các biện pháp quản lý như sau:
- Biện pháp canh tác:
+ Tỉa cành tạo tán để cho vườn thông thoáng. Tránh để cành khô trên cây vì sẽ tạo môi trường cho nhộng bám kén.
+ Các trái bị sâu tấn công nặng không thể chữa trị cần phải đem đi tiêu hủy.
+ Thăm vườn thường xuyên để phát hiện và phòng trừ kịp thời.
- Biện pháp sinh học:
+ Tiến hành phun xịt định kỳ 20-30 ngày/lần trên thân lá và trái bằng các loại men vi sinh có khả năng quản lý sâu hại như Tricho-BT, Tricho-Meta, Nema...
+ Quản lý nhộng trong đất bằng cách tưới men vi sinh Tricho-BT, Tricho-Meta, Tricho-Nema và bổ sung các loại phân bón vi sinh có khả năng phòng trừ nhộng sâu hiệu quả như: Trichomix, Điền trang – Neem, Trimix-N1 chuyên dùng cây ăn trái...với liều lượng từ 5-10kg/cây, định kỳ 2-3 tháng/lần.
+ Nuôi và phát triển các loài thiên địch của sâu đục trái trong vườn như kiến vàng, bọ xít, nhện.
- Biện pháp hóa học:
+ Vào giai đoạn 15 – 20 ngày sau đậu trái cần phun xịt 1-2 lần cách nhau 5-7 ngày bằng các sản phẩm như: Chesone, Danobull F50, Dầu Khoáng SH … để quản lý trứng sâu và sâu non có thể mới nở trên trái.
+ Khi phát hiện có sâu hại trên cần hái, tiêu hủy, đưa ra khỏi vườn, chôn lấp và xử lý bằng vôi nông nghiệp các trái đã bị gây hại nặng. Sau đó tiến hành phun xịt kỹ bằng các loại thuốc như: Redsuper, Bác sỹ điều, Rồng lửa … kết hợp thêm với Bám dính Neem, Neem Chito... để tăng hiệu quả phòng trừ. Xử lý phun xịt liên tục 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày.
Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.
Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.