BIỆN PHÁP CHĂM SÓC SẦU RIÊNG GIAI ĐOẠN NHÚ MẮT CUA VÀ RA HOA NIÊN VỤ 2021-2022

Cây sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái rất phù hợp với điều kiện tự nhiên khu vực Đông Nam Bộ nói chung và Tỉnh Bình Phước nói riêng. Trong khi biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt tại các Tỉnh Miền Tây. Vì vậy lợi thế để phát triển cây sầu riêng tại Bình Phước giúp bà con làm giàu là rất khả quan và hiện hữu.

Hiện tại cây sầu riêng đang bước vào giai đoạn nhú mắt cua và ra hoa. Đây là giai đoạn cây sầu riêng rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết, cần chăm sóc đúng cách, kịp thời. Giúp định hình năng suất vườn cây sau này.

  1. Nắm bắt tốt thực trạng vườn cây:

+ Thăm vườn thường xuyên để theo dõi tỷ lệ mắt cua sáng trong vườn (2-4 ngày 1 lần).

+ Tỷ lệ mắt cua sáng, nhú dài từ 1-3cm trên các cành đủ tiêu chuẩn ra hoa, đạt 50-70% thì bắt đầu áp dụng các biện pháp chăm sóc cho vườn cây.

+ Nếu trong quá trình siết nước gặp mưa trái vụ, lượng mắt cua sáng và nhú dài trên vườn chưa đạt 50-70% thì tiếp tục tiến hành xiết nước lại cho vườn đến khi đạt tỷ lệ như trên.

+ Trong quá trình xiết nước, nếu cây có hiện tượng rụng lá già do mất nước, trong khi cây chưa ra hoa đạt, thì tiến hành tưới nhấp nước lại cho cây (trung bình 60-80l nước/cây/2-3 ngày tưới 1 lần).

  1. Hỗ trợ phân bón lá và phân bón gốc chăm sóc hoa:

+ Tiến hành khi hoa nhú dài 1-3cm đạt 50-70% trên cây trong vườn.

+ Tưới nhấp nước 2-3 lần, cách nhau giữa các lần từ 2-3 ngày (trung bình 80-100l/cây). Giúp cây không bị sốc nước, hỗ trợ nuôi hoa. Sau đó tưới đủ nước lại cho cây trung bình từ 200-300l nước/cây/2-3 ngày tưới 1 lần. Trước khi hoa xổ nhụy 10 ngày giảm lượng nước tưới lại bằng 1/3 khi tưới đủ nước.

+ Sử dụng các dòng phân bón lá để giúp hạn chế hoa bị miên trạng như KNO3, Kali B...với nồng độ 0,5-1%. Sau khi hoa nhú dài 3-5cm bổ sung thêm các sản phẩm giàu Bo, Ca, trung vi lượng như Siêu bo kẽm, Canxibo sillic, Natubor...giúp hoa ra đều, mập và hạn chế rụng hoa.

+ Bổ sung các dòng phân bón gốc để nuôi bông và kéo đọt cho cây như HCVS CAT...(với lượng từ 10-15kg/cây) và các dòng NPK có hàm lượng đạm cao như NPK 20-10-10 TE, NPK 30-10-10 TE...(với lượng 1-2kg/cây).

  1. Phòng trừ sâu rầy gây hại:

+ Các đối tượng sâu rầy gây hại chính cho hoa và lá non như: sâu ăn bông, rệp sáp, nhện đỏ, rầy xanh, rầy trắng...

+ Khi phát hiện các đối tượng gây hại trên 5% số lượng hoa và lá non trên vườn, tiến hành xử lý bằng các sản phẩm như Bulutoc, Actaone, Samurai, Chavet....

+ Luân phiên các loại thuốc giữa các lần xịt, để tránh các đối tượng sâu rầy kháng thuốc.

  1. Phòng trừ bệnh gây hại:

+ Các bệnh gây hại chính: khô bông, cháy lá, đốm lá...

+ Khi phát hiện bệnh gây hại trên 5% số lượng hoa và trái non trên vườn tiến hành xử lý bằng các sản phẩm như Eiffigold, Antracol, Verygold...

  1. Lưu ý:

+ Trong giai đoạn cây ra hoa tới xổ nhụy tiến hành tỉa hoa ít nhất từ 2-3 lần (tỉa hoa đầu cành, hoa yếu, hoa trên cành chưa đủ tiêu chuẩn mang trái...). Giúp để số lượng hoa phù hợp với bộ khung, bộ lá và tuổi cây.

+ Khi phối trộn nhiều loại thuốc để phun xịt cùng nhau cần được sự tư vấn của các kỹ sư nông nghiệp, tránh làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc.

Chi tiết tư vấn bà con liên hệ các điểm Hệ thống CHDVNN Khuyến Nông gần nhất.

Hoặc liên hệ: Ks. Trịnh Đình Tâm: 0977.436.163 – Ks. Nguyễn Thế Vương: 0968.041.059.

< Trở lại